Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm sinh hay khuyến sinh?

Thu Trang| 08/07/2013 06:38

(HNM) - Hiện mức sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới có dấu hiệu giảm thấp đe dọa sự ổn định xã hội.

Xu hướng trên thế giới

Dân số nhiều nước giảm trong những năm gần đây do nhiều người trẻ không muốn lập gia đình vì xem đó là gánh nặng đối với cuộc sống và sự nghiệp. Mặt khác, nền kinh tế suy thoái cũng khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con. Với tỷ lệ sinh như ngày nay, các chuyên gia cảnh báo, nhân công lao động sẽ thiếu hụt trầm trọng trong vài năm tới, đặc biệt là những người thuộc độ tuổi thanh niên, có sức lao động tốt.

Một buổi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nam giới tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Hoạt


Tại một hội thảo quốc tế về vấn đề này được tổ chức gần đây, các diễn giả quốc tế đem đến một số bài học cho Việt Nam. Họ cho biết, ở nhiều nước Châu Á, nơi mà mức sinh đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, đều đang phải đối mặt với thách thức về việc thiếu lao động và năng suất lao động trong tương lai. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của các thế hệ đang già hóa. Nhận thức rõ những tác động và hệ quả, nhiều quốc gia đang phải áp dụng các biện pháp khuyến sinh. Đơn cử như Hàn Quốc, từ nước có tổng tỷ suất sinh (TFR) ở mức cao 4 con/phụ nữ vào năm 1970, đến năm 1983, "xứ Kim chi" đã đưa ra chiến lược giảm sinh và năm 1996, TFR đã xuống 1,6 con/phụ nữ, thậm chí đến năm 2005 chỉ còn 1,1 con/phụ nữ. Năm 2012, mặc dù đã áp dụng các biện pháp khuyến sinh nhưng TFR của nước này chỉ là 1,3 con/ phụ nữ. Mức sinh giảm quá thấp đe dọa sự ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế, thiếu hụt lao động và ảnh hưởng đến việc chăm sóc người già. Các chuyên gia cho rằng, lẽ ra Hàn Quốc nên quyết định ngừng thực thi chương trình Kế hoạch hóa gia đình vào đầu những năm 1990 để chuẩn bị cho chương trình khuyến sinh thì sẽ phù hợp hơn.

Bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, khi TFR trong khoảng 2,1 con/phụ nữ là đạt được mức sinh thay thế. Nếu tỷ suất sinh quá thấp so với mức 2 con thì quốc gia đó sẽ gặp khó khăn trong vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, ở không ít quốc gia, khi tỷ suất sinh đã giảm xuống thấp thì rất khó quay về mức sinh thay thế. Do đó, bài học dành cho các nước đang có xu hướng giảm sinh, trong đó có Việt Nam là cần bắt đầu đưa ra những chính sách, chiến lược và hành động cụ thể để chủ động ứng phó ngay từ bây giờ.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hơn 50 năm qua, công tác dân số ở Việt Nam chỉ tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất là giảm sinh và đã đạt được những kết quả tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người cũng như các chỉ số sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Năm 2012, TFR của nước ta ở mức 2 con/phụ nữ. Tuy nhiên, TFR giữa các vùng, miền, tỉnh, thành lại có sự chênh lệch rõ rệt. Nếu như các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ hiện nay, TFR ở trong khoảng 1,5-1,6 con/phụ nữ, thì những tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ suất sinh còn rất cao (TFR đạt hơn 3 con/phụ nữ).

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, Việt Nam hiện đang có một bức tranh đa màu về mức sinh. Theo đó, chỉ tính riêng 20 năm qua, nước ta đã tránh sinh được 18 triệu trường hợp, nhưng thành quả đó lại tạo nên những thách thức mới. Số lượng trẻ em đã giảm rõ rệt trong 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm gần đây. Xu hướng giảm sinh là vấn đề chúng ta phải đối diện trong khoảng 15-20 năm nữa. TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho rằng, "không quá sớm để Việt Nam tính tới việc thay đổi các chính sách cho phù hợp với tình hình giảm sinh, tránh đi theo "vết xe đổ" của một số nước Châu Á”.

Theo các chuyên gia về dân số và phát triển, việc duy trì mức sinh như hiện nay là rất lý tưởng. Nhưng để tạo nên một bức tranh mới, hài hòa hơn thì chương trình KHHGĐ, chính sách giảm sinh cần được nới lỏng. Thay vì áp dụng cho toàn quốc, chương trình KHHGĐ cần có những giải pháp cụ thể, linh hoạt cho phù hợp với thực trạng dân số của từng địa phương. Với những tỉnh có TFR cao thì nhanh chóng đưa về mức sinh thay thế, những tỉnh đạt mức sinh thay thế thì cố gắng duy trì và những tỉnh có TFR thấp cần phải nâng mức sinh lên. Trong vòng 10 năm tới, ngành DS-KHHGĐ cần duy trì được TFR trung bình đối với các địa phương từ 1,8 - 2 con/ phụ nữ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm sinh hay khuyến sinh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.