Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát, kiểm tra với 10 cơ quan báo chí bị khiếu nại nhiều nhất

Thanh Hà| 22/05/2021 15:17

(HNMO) - Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa thống kê 10 báo, tạp chí có số lượng đơn thư khiếu nại nhiều nhất trong giai đoạn 2018-2020.

Số lượng đơn thư khiếu nại được Cục Báo chí tổng hợp dựa trên thống kê từ Cục Báo chí, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng 7 sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương - là những địa phương có nhiều cơ quan báo chí hoặc là địa bàn có nhiều văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.

Đứng đầu thống kê của Bộ là Báo Pháp luật Việt Nam với 122 đơn thư khiếu nại, trong đó riêng năm 2020 có tới 63 đơn thư khiếu nại. Báo Tiền phong 56 đơn thư, đứng thứ hai; Báo Thanh niên đứng thứ ba với 53 đơn thư khiếu nại.

Tiếp theo lần lượt là Báo Công lý (48 đơn thư khiếu nại), Báo Người cao tuổi - nay là Tạp chí Người cao tuổi (47), Báo Đời sống và Pháp luật - nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật (41), Báo Lao động (40), Báo điện tử Tầm nhìn - nay là Báo Tri thức và Cuộc sống (38), Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (37), Báo điện tử Dân trí (31).

Cũng theo Cục Báo chí, tính chung trong 3 năm (2018-2020), những đơn vị chức năng trên đã nhận được tổng số 513 đơn thư khiếu nại về 10 cơ quan báo chí nêu trên.

Theo đánh giá của Cục Báo chí, ngoài nguyên nhân do thiếu quản lý chặt chẽ, chạy theo tin tức thời sự, thông tin nhanh mà thiếu kiểm chứng nguồn tin, còn có nguyên nhân từ việc người đứng đầu cơ quan báo chí phân cấp, phân quyền duyệt, đăng tải nội dung nhưng thiếu kiểm tra, một bộ phận người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Các tạp chí xem nhẹ chức năng thông tin chuyên sâu, chuyên ngành mà tập trung phản ánh sự việc, sự kiện thời sự, nhất là các tiêu cực, mặt trái của đời sống xã hội, không phải chuyên ngành của mình...

Về giải pháp, Cục Báo chí kiến nghị tiếp tục triển khai quy hoạch báo chí. Khi cấp lại giấy phép phải bảo đảm tôn chỉ, mục đích của tạp chí chặt chẽ, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí; phân định rõ báo và tạp chí.

Những cơ quan báo chí có nhiều đơn thư phản ánh thông tin sai sự thật, cơ quan chủ quản báo chí (trước mắt là các cơ quan quản lý nhà nước) cần chấn chỉnh hoạt động, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.

Cục cũng đề nghị chuyển từ hậu kiểm, kiểm tra, giám sát sang giám sát, kiểm tra. Xây dựng hệ thống đo kiểm, đánh giá, phân tích chiều hướng thông tin tích cực, hoặc tiêu cực. Khi cơ quan báo chí có chiều hướng thông tin tiêu cực quá nhiều thì nhắc nhở, chấn chỉnh. Đồng thời, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với cơ quan báo chí có nhiều vi phạm bị xử lý liên tục, đề nghị cơ quan chủ quản báo chí xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, đề xuất tăng mức phạt tiền trong hoạt động báo chí, cao nhất là 500 triệu đồng (hiện mức cao nhất là 200 triệu đồng).

Trước đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn số 516-CV/BTGTƯ ngày 12-5-2021 gửi Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát, kiểm tra với 10 cơ quan báo chí bị khiếu nại nhiều nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.