(HNM) - Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hiện nay, các huyện của Hà Nội đã chủ động điều chỉnh phương án phòng, chống thiên tai; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cộng đồng...
Nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… luôn coi công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, trái quy luật… nên các huyện này vẫn bị thiệt hại nặng về tài sản.
Nghiêm túc đánh giá công tác phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua, các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Theo Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng, ngoài nguyên nhân thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, một số người dân trên địa bàn huyện còn chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó. Nếu người dân thực hiện di dời tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao úng ngập theo đúng khuyến cáo của huyện và xã thì mức độ thiệt hại đã giảm.
Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân khẳng định, các cấp chính quyền của huyện đã nghiêm túc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, một số người dân trên địa bàn vẫn chủ quan và thiếu kỹ năng ứng phó, dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Cụ thể, nếu người dân thực hiện đúng yêu cầu của địa phương không đánh bắt cá khi mực nước sông Bùi dâng cao và có kỹ năng bơi lội, năm 2018, huyện Chương Mỹ đã không xảy ra thiệt hại về người do đuối nước trong mưa lũ…
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa lũ năm 2019, hiện các huyện: Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức… yêu cầu các xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống thiên tai sát với thực tiễn của địa phương. Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Ngoài thực hiện đúng chỉ đạo của huyện, năm nay, xã bổ sung giải pháp quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng. Bởi trong bão lũ, nếu người dân chủ quan: Không chủ động phòng ngừa, ứng phó, trông chờ vào chính quyền… thì công tác phòng chống thiên tai của địa phương rất khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Triển khai giải pháp này, xã đã cung cấp tài liệu cho các khu dân cư để tuyên truyền trong nhân dân các nguy cơ khi xảy ra úng ngập; trách nhiệm của các gia đình trong việc bảo vệ tài sản; chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu… trước khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, xã đã thành lập đội ứng phó cộng đồng gồm 24 thành viên. Các thành viên trong đội được huấn luyện kỹ năng hỗ trợ, quản lý rủi ro thảm họa và được trang bị các thiết bị cần thiết để làm công tác cứu hộ, cứu nạn như: Cưa máy, máy phát điện, loa thông tin di động, phao, áo phao…
Còn tại huyện Mỹ Đức, Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Nguyễn Văn Duân cho biết: Xác định phòng là chính, xã đang tập trung rà soát các hộ gia đình có nguy cơ úng ngập, sập đổ để xây dựng kế hoạch, phương án di dời. Trên cơ sở đó, xã sẽ tổ chức diễn tập các tình huống phòng, chống để người dân tham gia, rèn luyện kỹ năng thực hành những việc cần làm khi xảy ra thiên tai…
Thời điểm này, người dân các huyện của thành phố đang tiến hành sửa sang nhà cửa, chuẩn bị những phương tiện, vật dụng cần thiết… để chủ động ứng phó tình huống úng ngập dài ngày. Ông Bùi Đào Hoàn ở thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) chia sẻ kinh nghiệm: "Gia đình tôi đã đầu tư hơn 30 triệu đồng xây dựng lại đường ống cấp nước và bể chứa nước sinh hoạt. Nếu năm nay xảy ra ngập úng như năm 2018, gia đình tôi sẽ không lo thiếu nước sạch sinh hoạt...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.