Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ô nhiễm không khí, nguồn nước: Rất cần những giải pháp căn cơ

Thanh Hải| 08/08/2016 06:21

(HNM) - Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, do gia tăng phát thải từ phương tiện giao thông, đầu tư xây dựng, sinh hoạt, sản xuất...


Ô tô, xe máy là một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Xe máy, nguồn gây ô nhiễm không khí

Báo cáo môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố mới đây cho thấy, Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn TP Hồ Chí Minh dù dân số và phương tiện cơ giới ít hơn. Trong một năm, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và 1 ngày chất lượng không khí ở mức nguy hại. Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Ngô Thái Nam cho biết, giai đoạn 2011-2015, chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện, nhưng chỉ tiêu benzen tại hầu hết các vị trí quan trắc không khí giao thông đều vượt tiêu chuẩn QCVN06: 2009/BTNMT và có xu hướng gia tăng do sự gia tăng số lượng phương tiện, cũng như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu). Tại một số khu dân cư, như: Thị trấn Văn Điển, Yên Viên, Vĩnh Tuy, Yên Nghĩa, Ngọc Hồi, Quan Hoa... thông số quan trắc bụi tổng số (TSP), CO, SO2, NO2 đều vượt ngưỡng quy chuẩn 1,04-2 lần.

Còn theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động giao thông và xây dựng. Ước tính, Hà Nội có hơn 5,3 triệu phương tiện giao thông cơ giới được đăng ký, chưa kể số xe vãng lai từ các địa phương khác; nhiều xe trong số đó đã cũ, nát, không bảo đảm tiêu chuẩn phát thải. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng làm gia tăng nguồn khí thải tại các nút giao vào giờ cao điểm. Một tính toán khác cho thấy, tại Hà Nội xe máy chiếm 95% số lượng phương tiện, chỉ tiêu thụ 56% xăng, nhưng lại thải ra 94% hydro cacbon (HC), 87% cacbon ôxit (CO), 57% ôxit nitơ (NO)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới và là nguồn chính gây ô nhiễm không khí. Tại một hội thảo quốc tế về môi trường, chuyên gia người Pháp Jacques Moussafir đã đưa ra lời cảnh báo: Với mức độ ô nhiễm hiện nay và tốc độ tăng xe máy ở mức khoảng 15%/năm, ô tô khoảng 10%/năm thì nồng độ bụi ở Hà Nội có khả năng tăng lên hơn 200mg/m3, gấp 10 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).


Ô nhiễm khói bụi trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu hệ thống xử lý nước thải

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tình trạng ô nhiễm nước mặt ao, hồ, sông trên địa bàn Hà Nội khá nghiêm trọng (hơn 110 ao, hồ, đa số đều ô nhiễm). Đặc biệt, một số hồ có lưu lượng nước thải chảy vào vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, đã bị ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Với hệ thống sông: Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu... kết quả quan trắc hằng năm đều cho thấy, nhiều thông số hóa lý (TSS), chất hữu cơ (COD, BOD), chất dinh dưỡng (amoni, nitrit, phosphat)... vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Đáng chú ý, hệ thống nước ngầm cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm do việc khoan khai thác quá mức nhưng không trám, lấp giếng khi không còn sử dụng. Cùng với đó là ô nhiễm tầng nước mặt, do chôn lấp chất thải, gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách nên đã dẫn đến tình trạng thẩm thấu xuống các tầng nước ngầm.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hầu hết hồ trong nội thành đều là hồ điều hòa, có chức năng chủ yếu là chứa và tiêu thoát nước mưa. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước thải chưa hoàn thiện, chưa được tách riêng với thoát nước mưa, nên nước thải sinh hoạt vẫn chảy trực tiếp vào hồ, ao. Tình trạng nuôi thả cá kinh doanh và ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường hồ của một bộ phận người dân chưa cao cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ. Tương tự, 4 con sông thoát nước chính của thành phố là Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch cũng đang tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nên dù đã được cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm đường hai bên... nhưng nguồn nước vẫn ô nhiễm nặng. Cũng theo ông Mai Trọng Thái, ngoài nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, làng nghề không có hệ thống xử lý tập trung, thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặt.

Cần nguồn vốn và những giải pháp đột phá

Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất kiểm định khí thải đối với xe máy. Mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/ lần/xe/2 năm và sẽ không thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe máy trong 5 năm đầu sử dụng. Cùng với việc phát triển giao thông công cộng nhằm từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, theo ông Trần Kỳ Hình, để góp phần giảm ô nhiễm không khí, trước mắt tập trung xử lý nghiêm, loại bỏ hàng nghìn ô tô đã hết niên hạn, quá hạn kiểm định. Về dài hạn, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất, sớm áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với phương tiện giao thông.

Đối với tình trạng ô nhiễm sông, hồ, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, từ năm 1995 đến nay, thành phố triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi doanh nghiệp hợp tác cải tạo nhiều ao, hồ bị ô nhiễm, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung. Đến nay, tình trạng ô nhiễm ao, hồ đã bước đầu được cải thiện. Nhiều ao, hồ từ chỗ là nơi đổ đất, rác thải đã thành điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư. Tính riêng dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I và II, Hà Nội đã hoàn thiện hàng nghìn ki lô mét cống ngầm, cải tạo hàng trăm ki lô mét kênh, mương thoát nước... Hiện nay, thành phố đã đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày đêm), duy trì các trạm xử lý nước thải sinh hoạt Kim Liên, Trúc Bạch, giải quyết một phần nhu cầu xử lý nước thải đầu nguồn sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét. Sắp tới, chuẩn bị hoàn thành và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây (15.000m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (13.300m3/ngày đêm). Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm sông, hồ, thành phố cần đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng, trong đó có các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn trước khi đưa ra kênh, sông thoát nước chính. Được biết, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) tại huyện Thanh Trì và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô (công suất 84.000m3/ ngày đêm) tại quận Nam Từ Liêm... Sau khi hoàn thành, cơ bản nước thải lưu vực sông Tô Lịch được giải quyết và tình trạng ô nhiễm trên con sông này sẽ được cải thiện.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, rất cần những giải pháp căn cơ, cùng những khoản đầu tư lớn. Cùng với đó, đòi hỏi mỗi người, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh... phải nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tuân thủ quy định, chung tay cùng thành phố giữ gìn môi trường, giảm phát thải gây ô nhiễm không khí, nguồn nước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm ô nhiễm không khí, nguồn nước: Rất cần những giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.