Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nỗi lo mất an toàn thang máy

Nhóm phóng viên| 04/06/2022 06:24

(HNM) - Thủ đô Hà Nội ngày càng hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng thì việc sử dụng thang máy đã trở thành phổ biến. Tuy nhiên, điều đáng lo là gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới sự cố thang máy gây thiệt hại về người... Do đó, các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành cần quan tâm hơn tới vấn đề này, giúp người dân giảm bớt nỗi lo khi sử dụng thang máy.

Thang máy tại các chung cư cần được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm vận hành an toàn. Ảnh: Ngân Thùy

Tiềm ẩn mối nguy hiểm

Theo phản ánh của người dân chung cư A6C Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), nhiều năm nay cuộc sống của cư dân liên tục bị ảnh hưởng vì vấn đề thang máy. Tòa nhà cao 11 tầng, được bố trí 2 thang máy phục vụ hơn 100 hộ dân với 500 nhân khẩu. Tuy nhiên, chất lượng thang máy luôn là điều bức xúc đối với cư dân. Khi di chuyển, thang máy bị rung lắc, mòn cáp nhưng đơn vị bảo trì không có biện pháp bảo đảm an toàn nên thang máy đã dừng hoạt động từ nhiều tháng nay.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Trưởng ban Quản trị nhà A6C, trước đây tòa nhà do Xí nghiệp Quản lý và dịch vụ đô thị (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội) quản lý, vận hành. Năm 2020, Ban Quản trị đã nhiều lần thay mặt người dân phản ánh việc thang máy không hoạt động đến đơn vị quản lý, vận hành và chủ đầu tư. Do không được sửa chữa, bảo trì đúng quy chuẩn nên hiện phải dừng hoạt động thang PL2. Nhiều người ở tầng cao không có thang máy để sử dụng nên gặp nhiều khó khăn trong việc lên, xuống tòa nhà.

Bà Nguyễn Thị Quyết (P410, chung cư A6C) cho biết: "Với người già phải mang nạng như tôi, nhiều khi chờ thang máy đến chùn chân mỏi gối. Không có thang máy thì không thể di chuyển, đành ở đâu ở yên đó. Chỉ mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm sửa chữa thang máy để bảo đảm việc đi lại thuận tiện cho người dân".

Không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, thực tế đã có những sự cố thang máy xảy ra gây nguy hiểm đến an toàn và tính mạng người dân. Như sự cố thang máy tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) ngày 21-4-2022 khiến cháu bé 4 tuổi đang chơi ở tầng 6 thì bị rơi vào hố thang và mắc lại ở tầng 4. Người xuống cứu cháu bé cũng bị mắc kẹt lại. Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Nam Từ Liêm đã chỉ huy lực lượng cùng phương tiện giải cứu thành công 2 nạn nhân.

Gần đây nhất, sự việc thương tâm đã xảy ra tại tòa nhà ngõ 523 phố Kim Mã (quận Ba Đình) khi 2 thợ sửa chữa thang máy tại đây đã bị tai nạn tử vong, càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo trì, bảo dưỡng, quản lý vận hành và sử dụng thang máy.

Cần bổ sung chính sách về an toàn thang máy

Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải Đăng cho biết, thang máy tại tòa nhà A6C cũng như một số tòa nhà khác tại Khu đô thị Nam Trung Yên thường xuyên rơi vào tình trạng hỏng hóc, không hoạt động ổn định. UBND phường Trung Hòa đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm đời sống của người dân.

Được biết, cùng với báo cáo, kiến nghị của cấp phường, UBND quận Cầu Giấy cũng đã có nhiều văn bản gửi các sở, ban, ngành thành phố đề nghị chỉ đạo và giám sát các đơn vị quản lý, vận hành khẩn trương rà soát, kiểm tra và kịp thời bảo trì, sửa chữa những hạng mục thuộc sở hữu chung được Nhà nước hỗ trợ bảo trì theo quy định.

Trước bức xúc của người dân chung cư A6C Khu đô thị Nam Trung Yên, ngày 27-5-2022, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã làm việc với Ban Quản trị nhà A6C và tổ dân phố 51 phường Trung Hòa để thống nhất hướng xử lý, sẽ báo cáo Sở Xây dựng kiểm tra, lên phương án sửa chữa thang máy. Trưởng ban Quản trị nhà A6C Nguyễn Văn Hiện kiến nghị, trong tình huống cấp bách để phục vụ đời sống nhân dân, khi Nhà nước chưa lên kế hoạch sửa chữa, bảo trì thang máy, đề nghị có cơ chế cho người dân góp tiền, tạm ứng kinh phí sửa chữa rồi thực hiện cơ chế hoàn trả cho người dân.

Tại buổi đối thoại định kỳ năm 2022 của Hội đồng Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động mới đây, vấn đề thang máy thuộc hạng mục quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được đặc biệt quan tâm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức, cần bổ sung chính sách về an toàn thang máy, trong đó tập trung quản lý đào tạo, sát hạch chứng chỉ nghề thang máy để nâng cao chất lượng công tác bảo trì, sửa chữa, kiểm định, bảo đảm an toàn của người dân.

Còn theo đại diện Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Nam Từ Liêm, qua nhiều vụ việc sự cố thang máy, người dân sinh sống tại các khu chung cư hay các tòa nhà có thang máy cần thường xuyên bảo trì, kiểm tra an toàn của thiết bị. Trường hợp có sự cố, cần bình tĩnh để xử lý tình huống, hô hoán hoặc liên lạc ngay với người xung quanh và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để được giải cứu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm nỗi lo mất an toàn thang máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.