Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

Minh Ngọc| 03/10/2020 06:25

(HNM) - Công tác giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước thời hạn 2 năm và hiện cơ bản không còn hộ nghèo; các chính sách an sinh xã hội đều có tiến bộ…

Chi trả kinh phí hỗ trợ cho người dân phường Quang Trung (quận Hà Đông) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (ảnh chụp tháng 6-2020). Ảnh: Hà Hiền

Giúp người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái đánh giá, công tác hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp và đạt những kết quả khả quan. Đặc biệt, việc triển khai giảm nghèo theo hướng đa chiều, bền vững đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tạo nên điểm tựa, giúp người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo.

Để nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng, hằng năm, các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, sau đó phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp. Theo đó, những người còn khả năng lao động là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 75.000 lao động thuộc các đối tượng chính sách. Sau học nghề, 88,45% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng có thu nhập cao hơn.

Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng. Những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.

Những năm gần đây, thành phố chi trả trợ cấp hằng tháng đúng, đủ, kịp thời cho hơn 189.000 đối tượng bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng thường xuyên 2.600 người tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ngoài ra, thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 1,14 triệu lượt người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ tiền điện, truyền hình kỹ thuật số, sữa học đường cho hộ nghèo; trợ cấp hằng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo; miễn phí xe buýt cho người từ 60 tuổi trở lên. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ hơn 500.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng.

Ngoài các chính sách đã triển khai, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này bằng mức chuẩn nghèo (1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/ người/tháng ở khu vực nông thôn). Kinh phí để thực hiện Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, được huy động từ nhiều nguồn.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp các hộ nghèo có điểm tựa để vươn lên. Do vậy, dù chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước nhưng công tác giảm nghèo của Hà Nội vẫn đạt kết quả khả quan, bảo đảm tính bền vững. Trong giai đoạn 2016-2019, toàn thành phố có hơn 67.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội giảm từ 3,64% vào đầu năm 2016, xuống còn 0,42% vào cuối năm 2019, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo (trừ người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng tự thoát nghèo).

Không để ai “lọt lưới” an sinh xã hội

Nhằm không để ai “lọt lưới" an sinh xã hội, cùng với việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, chính sách bảo hiểm xã hội…

Với chính sách người có công, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho 140.000 người có công; điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 200.000 lượt người; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.000 nhà ở đối với hộ gia đình người có công... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng…

“Những năm gần đây, Hà Nội không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở; 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh khẳng định.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, các ngành, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Một số đối tượng đặc thù được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số, vượt chỉ tiêu thành phố giao. 40.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo hiểm xã hội bắt buộc thu hút gần 1,8 triệu người tham gia, bằng 37,5% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi, bằng 95% tổng số người thuộc diện phải tham gia; bảo hiểm thất nghiệp có hơn 1,6 triệu người tham gia, bằng 32% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi… Như vậy, so với giai đoạn trước, số người tham gia bảo hiểm y tế tăng 37,6%, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng hơn 40%, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 50%, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hơn 200%...

Những số liệu trên cho thấy, Hà Nội luôn dành các nguồn lực thỏa đáng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân theo nội dung Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Với những giải pháp đồng bộ đã, đang và tiếp tục triển khai, mục tiêu không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.