(HNM) - Không còn làn sóng chạy đua ngầm, cũng không còn cảnh mạnh ai nấy tăng như những năm trước, lãi suất đã có một thời kỳ dài
Giảm lãi suất là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Khánh An |
Thời gian vừa qua, lãi suất
đã giảm mạnh, từ "đỉnh" 25-26%/năm, lãi suất cho vay đã lùi xuống 13-15%/năm, thậm chí thấp hơn với những DN thuộc diện được ưu đãi. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trước đây bất chấp lãi suất cao, DN vẫn cố vay vào thì hiện nay, mặc dù lãi suất thấp, DN vẫn lắc đầu quay mặt. DN không dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh vì nhiều lý do, trong đó có việc mức lãi suất hiện nay chưa đủ thấp để DN có thể trang trải trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi sự trì trệ. Trong khi đó đại đa số người dân đã phải thắt lưng, buộc bụng, nên "cửa" vay tiêu dùng cho cá nhân dù có "mở" cũng không thể thu hút được đối tượng này. Để khơi thông nguồn vốn, nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng nên tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất thấp hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngân hàng đưa ra nhiều chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ cho DN. Bản thân những DN được hưởng chính sách ưu đãi đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều DN đã tự tái cấu trúc, nâng cao trình độ quản lý, có quyết định đầu tư hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất sẽ tiếp tục giảm, nhưng cùng với việc giảm lãi suất, ngân hàng cũng cần đơn giản hóa thủ tục, điều kiện xét tín dụng. Trong năm 2014, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng (TCTD) cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là DN, nếu chi phí huy động vốn chưa giảm nhiều thì rất khó để giảm lãi suất cho vay. Bởi vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất còn phụ thuộc giá vốn và khả năng tài chính của từng TCTD. Cùng với những biện pháp hỗ trợ ngân hàng về khả năng vốn và tài chính, NHNN sẽ có những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho DN, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với trần lãi suất huy động có thể sẽ giữ ổn định như hiện nay, song còn tùy thuộc vào giá vốn đầu vào và khả năng tài chính của các ngân hàng. Về phía ngân hàng, kinh doanh tiền tệ có độ rủi ro cao hơn các lĩnh vực kinh doanh khác, nên việc kiểm soát phải chặt chẽ, tín dụng không thể hạ chuẩn vì còn cần bảo đảm những yêu cầu trong an toàn hoạt động.
Về tỷ giá, cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, nếu có điều chỉnh cũng chỉ trong biên độ 2%. Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, để từ đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách lãi suất tiền đồng và lãi suất ngoại tệ hợp lý, nhằm nâng cao vị thế của tiền đồng Việt Nam. Đặc biệt, NHNN sẽ điều hành các kênh cung ứng tiền cũng như điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống linh hoạt và hợp lý, không gây áp lực lên lạm phát cũng như áp lực lên tỷ giá.
Mặc dù chưa có ngân hàng nào mở đầu cho cuộc đua giảm lãi suất cho vay kể từ đầu năm đến nay, nhưng những thông tin về khả năng hạ lãi suất đang được DN hân hoan đón nhận. Theo hầu hết DN, lãi suất cho vay nên giảm về 10%/ năm, vì với mức lãi suất này, cộng với chi phí sản xuất kinh doanh, DN mới có thể trang trải. Thời điểm vay vốn ngân hàng bằng mọi giá, chấp nhận cả lãi suất 25-26%/ năm không còn. Nếu ngân hàng không tìm cách "cứu" DN bản thân ngân hàng cũng tự đẩy mình vào tình thế khó khăn vì DN được coi là "nguồn sống" của ngân hàng. Nếu ngân hàng chỉ huy động mà không thể cho vay thì sẽ phải đối mặt với việc nguồn vốn bị ứ đọng. Thực tế, cách chèo kéo khách vay tiền thời gian qua cho thấy ngân hàng đang dư dả và cần giải phóng nguồn tiền. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, bài toán giảm lãi suất cho vay cần được tính đến để hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Hạ lãi suất nhưng không có nghĩa là hạ các tiêu chuẩn tín dụng. Những tồn tại trong suốt mấy năm qua đã cho thấy, nếu nới lỏng tiêu chuẩn cho vay, ngân hàng có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Mặc dù có nguồn vốn tương đối dồi dào nhưng hầu hết ngân hàng đều lựa chọn khá kỹ đối tượng vay, với quan điểm, nếu DN quá yếu, không nên "cứu", chỉ có thể "rộng cửa" với những DN có dự án kinh doanh tốt, hoặc thấy được tiềm năng của DN trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.