(HNM) - Sáu tháng đầu năm, tại Hà Nội, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) gia tăng đáng kể. Phần lớn các vụ KNTC liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất đai. Làm cách nào để giảm thiểu tình trạng này? Đây là câu hỏi hóc búa giữa lúc các cơ chế, chính sách chưa ổn định, còn
Giải phóng mặt bằng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện. Ảnh: Đàm Duy |
Kìm hãm sự phát triển
Sáu tháng đầu năm, số người dân đến các cơ quan hành chính để đâm đơn KNTC tăng đến hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ KNTC cũng tăng khoảng 20%. Trong đó, tập trung chủ yếu ở cấp cơ sở (khối xã, phường, thị trấn) chiếm hơn 50% lượt người. Điều này cho thấy, vai trò giải quyết đơn, thư KNTC ở cấp cơ sở tiếp tục giữ vị trí quan trọng. Số đoàn khiếu tố đông người khá nhiều với 213 lượt đoàn đông người (từ 10 người trở lên) liên quan đến 52 vụ việc. Hầu hết các vụ đều ở các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh, khối lượng đất bị thu hồi làm dự án lớn như phường Dương Nội, Yên Nghĩa (Hà Đông), thôn Bằng A, Bằng B thuộc phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai), xã Mai Đình (Sóc Sơn), khu Hoàng Cầu thuộc phường Trung Liệt (Đống Đa), một số xã thuộc huyện Thạch Thất...
Kết quả giải quyết KNTC 6 tháng đầu năm trung bình ở các cấp đạt khoảng 76%. Khối lượng công việc đồ sộ này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian công tác chuyên môn của các cơ quan hành chính. 24% số vụ chưa được giải quyết sẽ tiếp tục là mối lo lắng thường trực của các cấp chính quyền. Đó là chưa kể, nhiều vụ đã được giải quyết, công dân vẫn tiếp tục KNTC. Vì vậy, lãnh đạo nhiều quận, huyện đều chung nhận định: Chưa giải quyết được KNTC thì rất khó tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Lượng đơn, thư KNTC lớn nên nhiều quận, huyện cắt cử từ 1 đến 2 phó chủ tịch UBND chuyên giải quyết KNTC. Có những thời điểm, tất cả lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND phải dồn toàn tâm toàn ý giải quyết các vụ việc, họ đành phải xếp công việc khác sang một bên. Một lãnh đạo địa phương thừa nhận: “Khi những vụ KNTC của người dân nơi mình quản lý còn “treo” ở đó, người dân còn “lên thành phố” thì còn mất ăn, mất ngủ. Chỉ đạo, điều hành ít nhiều bị mất tập trung”.
Tuy chưa có số liệu tính toán cụ thể nhưng rõ ràng ảnh hưởng kinh tế mà công tác giải quyết KNTC gây ra đối với những lĩnh vực khác là không nhỏ. Người ta nói, vì KNTC gia tăng mà xuất hiện một vòng luẩn quẩn: Phát triển kinh tế thì phải có dự án, muốn có dự án phải GPMB, mà GPMB thì nảy sinh KNTC, nhưng nhiều KNTC lại kìm hãm phát triển kinh tế. Vấn đề bây giờ là phải xóa bỏ cái vòng luẩn quẩn này.
Tập trung vào “điểm nóng”
Sở dĩ GPMB là căn nguyên nảy sinh nhiều vụ KNTC nhất là vì chính sách thay đổi liên tục, làm nảy sinh những khác biệt về lợi ích như giữa người nhận tiền đền bù trước và sau chẳng hạn. Nhưng một nguyên nhân không nhỏ là do người thực thi các chính sách đó. Thế nên, để giảm KNTC, cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu đặt ra thì trước hết phải xử lý dứt điểm những lỗi sai, những cán bộ làm sai. Không ngăn chặn đầu mối phát sinh này, KNTC sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Đồng thời, cần tăng cường năng lực của cán bộ giải quyết đơn, thư KNTC vốn còn nhiều hạn chế. Trước hết cần giải quyết tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách về công tác này. Ở xã, phường, tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách mảng công việc này là phổ biến. Ở cấp quận, huyện cũng không phải ngoại lệ, vì có những nơi nhân sự thay đổi chưa kịp bố trí, có nơi bắt buộc phải cử cán bộ kiêm nhiệm. Đáng nói hơn là tâm lý chung của nhiều cán bộ, công chức không muốn về làm tại bộ phận tiếp dân, giải quyết đơn, thư KNTC; một bộ phận cán bộ, công chức được phân công thì trình độ và năng lực còn hạn chế. Chính lãnh đạo TP cũng phải ghi nhận, một số xã, phường còn chuyển đơn, thư sai địa chỉ. Thống kê mới đây của UBND TP cho thấy, 28% số quyết định giải quyết khiếu nại và thông báo giải quyết tố cáo phải sửa một phần hoặc toàn bộ.
Ban tiếp dân TP dù đã được thành lập với mục tiêu chuyên nghiệp hóa công tác này, nhưng đến nay vẫn bị chính các quận, huyện “chê”. Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cho rằng, có những vụ KNTC, huyện đã có quyết định giải quyết, nhưng khi tiếp nhận đơn của dân, Ban tiếp dân TP không kiểm tra xem quyết định giải quyết của huyện ra sao, lại “máy móc” gửi công văn chuyển đơn của người dân về huyện. Nếu Ban tiếp dân chỉ làm mỗi việc như vậy, có lẽ chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo TP và người dân đối với cơ quan “ngang sở” này.
Giải quyết đơn, thư KNTC vốn đã được TP coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, với mức độ gia tăng số lượng các vụ, số người liên quan càng cho thấy tầm quan trọng của nó. Một mảng công việc như vậy cần được đầu tư xứng đáng cả về con người và cơ sở vật chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.