Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm gánh nặng đời sống cho công nhân

Đặng Loan| 25/05/2011 07:00

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2011 các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn sẽ được "phủ đầy" các cửa hàng bình ổn giá. Đây là chủ trương thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện sống ổn định cho công nhân trong thời điểm giá cả luôn biến động hiện nay.

Bớt lo tiền chợ

5 giờ chiều, sau giờ tan ca, từng tốp công nhân ở KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức) cùng rủ nhau ghé vào cửa hàng Co.op Food nằm ngay trong khuôn viên KCX để mua thức ăn chiều. Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, công nhân của Công ty Hưng Hoa Việt vui vẻ mua thịt ba rọi, rau, đậu phụ cho bữa ăn tối cùng 4 người bạn chung nhà trọ. Theo chị Hằng, từ ngày cửa hàng bán hàng bình ổn giá Co.op Food của SaigonCo.op khai trương thì công nhân ở đây không còn phải mua hàng ở các chợ cóc ven đường vốn không an toàn vì hàng tươi sống phần nhiều là "bầm dập" từ các chợ dạt về. Chị Hằng so sánh, giá cả ở cửa hàng Co.op Food bằng hoặc đắt hơn các chợ cóc lề đường một chút nhưng vệ sinh thực phẩm an toàn nên an tâm hơn. Co.op Food cũng thường xuyên có khuyến mãi nên anh chị em công nhân cũng bớt mối lo tiêu dùng hằng ngày.

Cửa hàng Co.op tại KCX Linh Trung II khai trương ngày 19-5 vừa qua là cửa hàng bình ổn giá thứ 2 của Saigon Co.op tại các KCX-KCN. Trước đó, cửa hàng đầu tiên tại KCN Hiệp Phước đã được khai trương vào tháng 10-2010. Các cửa hàng này bán các mặt hàng bình ổn giá và nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hằng ngày, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc, hóa phẩm, đồ dùng… phù hợp với nhu cầu của công nhân tại KCX này. Không những thế, do đặc thù làm việc nên cửa hàng linh động thời gian phục vụ, chủ yếu là từ sau 5 giờ chiều để các công nhân tan ca thuận tiện thời gian đi chợ.

Dành hàng bình ổn giá cho người nghèo

Trong tổng kết 10 năm (2002-2011) thực hiện chương trình bình ổn giá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào tháng 4 vừa qua, bên cạnh những thành công của chương trình, UBND TP cũng nhìn nhận lại những mặt chưa làm tốt, trong đó có chương trình đưa hàng bình ổn về với công nhân, người nghèo tại các chợ truyền thống.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan góp ý, tất cả hàng bình ổn giá cần phải dành cho công nhân, nông dân, người dân vùng ngoại thành. Bà phân tích, trong lúc giá tăng như hiện nay thì hiệu quả bình ổn hàng được phát huy vì có lợi cho người dân. Tuy nhiên, do lượng hàng bình ổn giá chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường và như thế là không thể điều tiết, kéo giảm giá như mong đợi. Vì vậy, để chương trình phát huy được hiệu quả tốt nhất, thì thay vì bình ổn "cào bằng" như hiện nay thì phải hướng đến người nghèo như công nhân, người dân vùng ngoại thành, nông dân, dành tất cả cho những người nghèo như một sự chia sẻ chung của xã hội.

Tuy nhiên, việc bán hàng lưu động mới chỉ theo đợt; mỗi đợt vài ngày và hàng hóa chủ yếu là thực phẩm công nghệ, còn thực phẩm tươi sống cho nhu cầu hằng ngày của công nhân vẫn chưa đủ. Ông Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Marketing của Saigon Co.op - đơn vị thực hiện nhiều nhất các chuyến hàng lưu động cho rằng: sở dĩ các chuyến hàng lưu động chưa đưa về được các mặt hàng tươi sống là vì mặt hàng này cần phải bảo quản nghiêm ngặt theo chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mà những trang bị của các chuyến hàng lưu động chưa đáp ứng được. Vì vậy, đơn vị này đang tích cực triển khai các cửa hàng Co.op Food với hệ thống làm lạnh ổn định để phục vụ hàng tươi sống cho công nhân.

Việc xây dựng các cửa hàng bình ổn giá trong KCX-KCN, theo các đơn vị phân phối, khó nhất là tìm mặt bằng. Đây là thực tế vì khi xây dựng các KCN-KCX trước kia chỉ xây khu sản xuất chứ không có đất dành cho các mục đích khác. Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Sở đã làm việc với Ban Quản lý các KCN-KCX về việc dành đất xây dựng các cửa hàng cố định phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân. Sở này cũng đang phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc để điều chỉnh lại các phân khu chức năng trong KCN-KCX trước kia để ưu tiên cho việc dành đất xây dựng các cửa hàng bán hàng bình ổn; và giới thiệu các mặt bằng đến những đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường để xây dựng cửa hàng cung cấp hàng bình ổn giá cho công nhân. Cũng theo bà Dung, từ nay đến cuối năm 2011, sẽ có ít nhất 9 cửa hàng bình ổn giá được mở tại KCN-KCX để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm gánh nặng đời sống cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.