(HNMCT) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Du lịch cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát và được kiểm soát, ngành Du lịch Thủ đô một lần nữa lại nỗ lực khôi phục hoạt động với nhiều việc làm thiết thực, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa bà, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn cho ngành Du lịch khi dịch Covid-19 liên tục bùng phát. Ngành Du lịch Thủ đô đã chịu thiệt hại như thế nào trong 9 tháng của năm 2021?
- Ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 năm 2021 đối với ngành Du lịch Thủ đô là rất nặng nề. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ có 2,92 triệu lượt khách nội địa, giảm 57,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,17 nghìn tỷ đồng, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao đạt 21,4%, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Khoảng 1.550 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 người. Số lao động tạm thời không có việc làm khoảng 21.500 người. Trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm, công suất xe lưu hành trung bình dưới 10% và không hoạt động trong thời gian giãn cách. Các điểm đến di tích, văn hóa phải đóng cửa, các điểm du lịch vui chơi, giải trí đang tạm dừng hoạt động.
- Sở Du lịch Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động như thế nào, thưa bà?
- Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, Sở Du lịch đã vận động, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế đăng ký thành lập khu cách ly y tế tập trung. Từ ngày 1-6-2020 đến 24-9-2021, có 20 khách sạn được UBND Thành phố chấp thuận làm cơ sở cách ly y tế tập trung, phục vụ 84.290 khách nhập cảnh, tổ bay của các hãng hàng không cách ly và thí điểm cách ly F1. Điều này không chỉ góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung, mà còn giúp các khách sạn có việc làm, tăng thu nhập, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2-6-2021 về hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện (đợt 3) cho các cơ sở lưu trú du lịch, Sở Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch hoàn thiện hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, thời gian được nhận hỗ trợ là 7 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2021). Ngoài những khách sạn đã được cấp thẩm quyền thẩm định xếp hạng từ 1 - 5 sao (còn hiệu lực) đủ điều kiện được hưởng giảm giá điện, Sở đã tiếp nhận và kiểm tra 24/37 hồ sơ đề nghị xác nhận là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó có 20 khách sạn (chưa xếp hạng hoặc đã hết thời hạn công nhận) đủ điều kiện; số còn lại sẽ tiếp tục kiểm tra sau khi UBND thành phố cho phép các cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã triển khai chính sách này tới các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Đối với công tác hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Du lịch đã báo cáo Thành phố về gói hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, ước tính khoảng 21,6 tỷ đồng (tạm tính cho 5.840 hướng dẫn viên được cấp phép hoạt động). Tính đến hết ngày 24-9-2021, Sở đã tiếp nhận 742 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong đó có 271 hồ sơ đủ điều kiện, 121 hồ sơ không đủ điều kiện, các hồ sơ còn lại đang thẩm định giải quyết theo quy trình. Đến nay đã chi trả được 212 triệu đồng cho các hướng dẫn viên du lịch.
- Với diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội hẳn đã có phương án để sớm đưa du lịch hoạt động trở lại trong thời gian tới?
- Chúng tôi đã chủ động tham mưu với UBND thành phố xây dựng chi tiết Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm. Đây sẽ là căn cứ quan trọng giúp các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động trong thời gian tới.
Sở Du lịch đã xây dựng, đề xuất các giai đoạn mở cửa du lịch dựa trên hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” gắn với 4 giai đoạn. Dự kiến trong tháng 10-2021, với sự cho phép của UBND Thành phố, ngành Du lịch sẽ triển khai mở cửa theo giai đoạn 3, cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke... vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi thành phố chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị tiếp tục mở cửa du lịch theo giai đoạn 4, cho phép các doanh nghiệp du lịch hoạt động bình thường, được đón khách du lịch tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động nắm bắt tình hình, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Để cụ thể hóa nội dung Kế hoạch, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng điểm đến an toàn và sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin làm đa dạng các sản phẩm mới phục vụ thu hút khách du lịch nội địa; Tổ chức các hoạt động, sự kiện, chuyển đổi số ngành Du lịch; Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn cho du khách và cơ sở du lịch.
- Việc khôi phục hoạt động du lịch đòi hỏi phải bảo đảm an toàn. Vậy ngành Du lịch Hà Nội đã và đang phối hợp với các ngành liên quan như thế nào để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch...?
- Việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách và các cơ sở du lịch là ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch Thủ đô. 100% cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu đăng ký và đánh giá an toàn trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Sở Du lịch thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cập nhật thông tin về các chính sách, quy định phòng chống dịch đối với các cơ sở dịch vụ, lưu trú, điểm đến trên địa bàn.
Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tập huấn, hướng dẫn lực lượng lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo cán bộ, nhân viên các đơn vị nắm vững quy trình phòng, chống dịch, có các phương án xử lý kịp thời trong trường hợp xuất hiện các trường hợp nghi nhiễm. Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho khách du lịch của các đơn vị. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền triển khai tiêm chủng đầy đủ, kịp thời cho đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn đối với các đơn vị cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch. Bộ tiêu chí sẽ quy định chi tiết các tiêu chí, quy trình phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới đối với các đơn vị, qua đó xây dựng các điểm du lịch “xanh”, cơ sở lưu trú “xanh”, dịch vụ “xanh” để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho cộng đồng, du khách và các đơn vị du lịch.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.