Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm cước roaming - Lợi cả đôi đường

Việt Nga| 21/10/2016 06:54

(HNM) - Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn VNPT và Tổng công ty MobiFone đã kiến nghị Bộ TT-TT sửa đổi các quy định về giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) nhằm ngăn chặn tình trạng sụt giảm lưu lượng do sự phát triển bùng nổ của các ứng dụng miễn phí qua mạng hiện nay.

Giá cước cao hơn quốc tế và khu vực

Theo quy định của Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT), giá cước chuyển vùng quốc tế chiều đến tại Việt Nam được áp dụng từ tháng 1-2015 như sau: Nếu gọi trong Việt Nam có mức giá trung bình là 0,275 USD/phút (giá sàn là 0,25 USD/phút); gọi quốc tế là 1,093 USD/phút (giá sàn là 0,983/phút); nhận cuộc gọi là 0,165 USD/phút (giá sàn 0,25 USD/phút); data là 1,092 USD/phút (giá sàn là 0,983 USD/phút); cước nhắn tin 0,163 USD/tin nhắn (giá sàn là 0,15 USD/tin nhắn)… Căn cứ theo bảng giá này các nhà mạng trong nước không được phép bán giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế liên mạng thấp hơn 10% so với mức giá trung bình trên thị trường được công bố.

Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định của Hiệp hội Các nhà mạng di động thế giới, Liên minh Viễn thông quốc tế…, thì các nước trên thế giới đều có xu hướng điều chỉnh giá cước dịch vụ roaming theo hướng giảm nhằm đưa dịch vụ về mức giá hợp lý, khuyến khích tiêu dùng. Cụ thể: Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã đưa dịch vụ chuyển vùng quốc tế vào quy định và lộ trình giảm. Chẳng hạn, giá cước data ở thời điểm 1-7-2014 là 0,2 EUR/MB, thoại 0,19 EUR/phút, nhận cuộc gọi là 0,5 EUR/phút, thì đến thời điểm từ 1-4-2016 giảm lần lượt xuống chỉ còn 0,05 EUR/MB/phút và cộng với chi phí chuyển tiếp dịch vụ; từ thời điểm tháng 6-2017, EU áp dụng giá chuyển vùng quốc tế bằng giá trong nước nhưng có giới hạn lưu lượng.

Người dùng đăng ký thông tin thuê bao điện thoại tại MobiFone. Ảnh: Sơn Hà


Các nước khu vực Đông Phi cũng đã thực hiện áp dụng cước chuyển vùng quốc tế với thoại (áp dụng từ tháng 8-2014) còn 0,1 USD/phút. Các nước khu vực vùng Vịnh cũng áp dụng từ tháng 1-2016 với cước data roaming là 0,8 USD/MB, thoại là 0,47 USD/phút. Khu vực Mỹ La tinh cũng đã áp dụng cước chuyển vùng quốc tế bằng với cước trong nước. Hai nước trong khu vực là Thái Lan, Campuchia đã ký thỏa thuận chung để triển khai cùng áp dụng mức giá cước chung ở mỗi loại dịch vụ roaming nhằm thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Nhiều nhà mạng trong khu vực Châu Á cũng đã áp dụng gói cước sử dụng data roaming không giới hạn theo ngày hoặc theo gói lưu lượng cao cho khách hàng sử dụng.

Nhà mạng và người dùng bị thua thiệt

So sánh bảng giá quy định cước roaming tại Việt Nam với các nước có thể thấy, cước dịch vụ này của chúng ta cao hơn nhiều so với quốc tế. Theo đại diện của Công ty Viễn thông quốc tế VNPT-I thuộc Tập đoàn VNPT, trong quá trình làm việc, VNPT đã gặp sự phản ứng gay gắt từ phía đối tác roaming. Trên thực tế, một loạt đối tác là các nhà mạng của Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Philippines từng cung cấp gói cước data không giới hạn lưu lượng cho khách hàng vào các mạng tại Việt Nam đã ngừng cung cấp. Một số nhà mạng trong Liên minh Conexus tuy chịu áp lực từ phía khách hàng vẫn đang duy trì gói cước theo ngày tại Việt Nam, nhưng hiện phải bù lỗ chi phí như NTT Docomo (Nhật Bản), KT (Hàn Quốc), Starhub (Singapore) và đang gây áp lực với VNPT sẽ ngừng cung cấp gói cước data do phải chi phí lớn cho gói roaming cho khách hàng của mình đến Việt Nam. Còn theo Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam, sản lượng điện quốc tế chiều về giảm rất nhanh, tháng 8-2016 giảm 15% so với tháng 7-2016 và tiếp tục có xu thế liên tục giảm do cước dịch vụ roaming trong nước cao. Đặc biệt, MobiFone cũng bị các đối tác nước ngoài “kêu” rất nhiều về việc chính sách quản lý giá sàn điện thoại quốc tế chiều về...

Trong kiến nghị với Bộ TT-TT, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cũng đã nêu rõ thực trạng, hiện cả lưu lượng roaming chiều đi và đến của VNPT đều bị sụt giảm. Đây là điều không phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước. Vì thông thường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, xuất nhập khẩu tăng, giao thương quốc tế tăng thì lưu lượng thoại quốc tế phải tăng. Do đó cần phải điều chỉnh các quy định về giá.

Thêm nữa, trước xu hướng sử dụng smartphone trên toàn cầu tăng nhanh, đa số người dùng dịch vụ quốc tế đều dùng các dịch vụ OTT miễn phí… “Do vậy, đề nghị Bộ TT-TT cần xem lại có nên “quản” hay không, nếu quản lý thì nên chọn cách mà quốc tế đang làm, tức là cứ “thả” để DN tự quyết định một thời gian xem thế nào, sau đó điều chỉnh. Tôi cho rằng, nên để DN tự quyết vấn đề này trước, sau đó Bộ quay lại quản lý sẽ tốt hơn” - Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng kiến nghị.

Cùng quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Bùi Sơn Nam cũng kiến nghị, Bộ TT-TT xem xét lại phần quản lý giá sàn dịch vụ quốc tế chiều về, trước sức ép của sự phát triển các dịch vụ OTT. Được biết, theo các cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cước dịch vụ roaming tại Việt Nam hiện quá cao và những quy định cũ hiện đã lạc hậu. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã thấy rõ điều này và đã yêu cầu Cục Viễn thông cần sớm nghiên cứu đề xuất của DN để điều chỉnh cho hợp lý, bảo đảm có lợi cho người dùng và DN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm cước roaming - Lợi cả đôi đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.