Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chỉ tiêu đào tạo, tuyên chiến ''thói xấu'' trong nhà trường

Theo Tiền phong| 01/05/2018 08:33

Việc giảm mạnh chỉ tiêu, siết chặt chất lượng đầu vào có thu hút được người giỏi cho ngành sư phạm? Quan trọng hơn, phải làm thế nào để có được đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa chuyên làm trong sạch môi trường giáo dục?


Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, số giáo viên thừa của các cấp học là 40.264 người. Trong đó, bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất (hiện bậc này có gần 311.000 giáo viên).

Bậc trung học phổ thông cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 trong tổng số 150.700 giáo viên hiện có.

Trong khi các cấp phổ thông thừa hàng nghìn giáo viên, bậc tiểu học lại vừa thừa vừa thiếu. Bậc học này đang có 397.000 giáo viên. Triển khai chương trình mới ở lớp một, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên và thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021.

Chỉ tiêu vào ngành sư phạm năm nay giảm gần 40% so với năm 2017. Ảnh nguồn Internet.


Tuy nhiên có một nghịch lý là có nơi thừa rất nhiều nhưng có nơi lại thiếu giáo viên trầm trọng. Việc lãnh đạo địa phương ký tuyển dụng giáo viên một cách vô tội vạ khiến nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc, hoặc địa phương đó không biết cách giải quyết ra sao với số lượng giáo viên dôi dư.

Sự việc ở tỉnh Gia Lai là một ví dụ, khi thực hiện tinh giản biên chế, tỉnh Gia Lai đang xem xét để chấm dứt với hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn. Trong khi các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng phải từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng về phục vụ cà phê, làm rẫy để có thu nhập, thì ngành giáo dục tỉnh đang “gồng mình” tăng tiết, tăng giờ vì thiếu giáo viên trầm trọng.

Vơ bèo, vạt tép tuyển giáo viên

Năm 2017, dư luận bàng hoàng khi điểm chuẩn vào một số ngành sư phạm thấp chỉ ở mức điểm sàn. Thậm chí, một loạt trường cao đẳng sư phạm chỉ lấy điểm đầu vào 9-10 điểm/3 môn.

Không ít trường tung ra đủ chiêu học bổng, ưu đãi để câu kéo thí sinh. Nhưng xem ra, điều này không hề dễ dàng khi thí sính quay lưng với ngành giáo dục. Có lẽ bài học ra trường thất nghiệp, lương kém, chế độ đãi ngộ thấp của không ít cử nhân sư phạm, thậm chí thủ khoa sư phạm đã làm trờn lòng sĩ tử.

Năm nay, số liệu Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của khối ngành sư phạm chiếm khoảng 80% so với tổng số thí sinh thực tuyển năm 2017. Trong khi đó, số thí sinh thực tuyển của năm 2017 chỉ đạt gần 80% so với chỉ tiêu đề ra. Như vậy, chỉ tiêu năm nay của các trường sư phạm giảm gần 40% so với năm 2017.

Tuy nhiên không ít người nhận định, trường ĐH sư phạm chắc chắn tuyển không đủ chỉ tiêu vì học sinh có học lực giỏi phần đông sẽ không chọn ngành sư phạm do ra trường khó xin việc, lương khởi điểm thì quá thấp.

Lo lắng về chất lượng sư phạm, Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, ngành nào cũng vậy nếu đầu vào không tốt thì sản phẩm đầu ra không thể tốt. “Thầy cô giống như máy cái để sản xuất ra những cái máy nhỏ. Nếu những máy cái năng lực không đảm bảo thì sản phẩm của tương lai sẽ có những khiếm khuyết” – thầy Bình lo lắng.

Có lẽ dư luận cũng còn nhiều bức xúc, khi chỉ trong 1 tháng đầu năm 2018, liên tiếp nhiều vụ bạo hành về thể chất lẫn tinh thần của giáo viên đối với học sinh đã xảy ra. Hàng loạt công văn khẩn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm mâu thuẫn thầy trò, phụ huynh - giáo viên khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên hiện nay.

Cắt giảm mạnh chỉ tiêu

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, năm 2018 ngành sư phạm tuyển 35.590 chỉ tiêu, giảm 38% so với năm 2017 (năm 2017 có 56.725 chỉ tiêu) tổng số nguyện vọng 1 sư phạm là 43.69 chỉ tiêu, giảm 27% so với năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, trước khi có chỉ tiêu về ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT đã có khảo sát về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Căn cứ vào nhu cầu đợt khảo sát, Bộ GD&ĐT xác định, năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh, thành phố khoảng 59.000 giáo viên để đủ vừa tuyển mới, vừa thay thế số người về hưu.

Bên cạnh khảo sát chính thức của Bộ, theo bà Phụng, số liệu này còn dựa trên một số đề tài nghiên cứu các trường sư phạm kết hợp với các cơ sở thực hiện, các nghiên cứu khảo sát về số sinh viên chưa có việc làm trong 2 năm qua và dự kiến năm tới như thế nào.

“Số chưa có việc làm và dự kiến sinh viên ra trường năm 2018 và 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000 người, trong đó 50% vẫn chờ cơ hội để vào ngành hoặc quay lại đúng nghề nếu có cơ hội. Vì vậy, chúng tôi xác định năm tới chỉ giao chỉ tiêu 35.000 – 36.000”- bà Phụng nhấn mạnh.

Để có đội ngũ nhà giáo giảng dạy chất lượng ở các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT quy định, bắt đầu từ năm 2018 chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Theo một số nhà giáo, cán bộ giáo dục, những giải pháp trên đã cho thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc giảm thiểu sinh viên sư phạm thất nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Tuy nhiên, giải pháp này chưa thực sự mạnh mẽ để thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm nên cần phải có giải pháp bền vững, quyết liệt hơn.

Cần những cú hích mạnh

Ông Bùi Đức Ngọc, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho rằng, hằng năm vẫn còn tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quy hoạch phát triển nhân lực còn chưa sát thực tế, dẫn đến công tác thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.

Bộ GD-ĐT cần có thống kê sinh viên thi, học ngành sư phạm ở các địa phương để trên cơ sở đó dự báo hằng năm và có kế hoạch lâu dài để các trường sư phạm có dự báo đào tạo một cách hợp lý; tránh tình trạng đào tạo ồ ạt.

Theo ông Bùi Đức Ngọc, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm trong thời gian tới, cần tiếp tục miễn học phí, tăng học bổng, có việc làm ngay và ổn định cho sinh viên. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo; có chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý, môi trường làm việc tốt cho nhà giáo để họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ngành Giáo dục nên nghiên cứu để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm bằng cách sinh viên tốt nghiệp là có việc làm cũng như tiếp tục đề xuất với Chính phủ nâng cao đời sống của giáo viên bằng cách tăng lương. Đó là ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Theo GS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trước mắt chỉ cần đảm bảo ra trường không thất nghiệp thì ngành sư phạm đã đủ hấp dẫn và thu hút được thí sinh có học lực từ khá trở lên.

Sinh viên hiện nay khi đầu quân vào các trường sư phạm quan tâm nhất là tốt nghiệp có việc làm hay không và mức lương ít nhất phải đủ để trang trải cuộc sống. Để thu hút người giỏi vào trường sư phạm thì ngành Giáo dục phải giải quyết được vấn đề này, khi đó chắc chắn chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện.

Việc tăng lương cho giáo viên nên được áp dụng thí điểm ở những địa phương, vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, hướng tuyển sinh và đào tạo theo đặt hàng của địa phương sẽ khắc phục được việc đào tạo không phù hợp với nhu cầu của xã hội. Các địa phương nắm rất rõ mình cần bao nhiêu giáo viên. Kể cả là quy hoạch 5 năm vẫn có thể tính toán, lên kế hoạch và đưa ra được các con số. Quan trọng là để có cái nhìn về con số tổng thể, chí ít phải giải quyết được khâu ra trường có việc làm, không thất nghiệp tràn lan.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm chỉ tiêu đào tạo, tuyên chiến ''thói xấu'' trong nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.