Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chi phí, giải phóng sức lao động

Đào Huyền| 16/03/2012 07:09

(HNM) - Cơ giới hóa (CGH) đồng bộ trong sản xuất lúa được Hà Nội triển khai từ nhiều năm qua tại nhiều địa phương, như HTX Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), Đa Tốn (Gia Lâm)… mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.

Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt

Theo tính toán, CGH không những góp phần giảm chi phí sản xuất đến 20% mà còn tăng năng suất lúa từ 15 đến 20%. Ví dụ, trong mùa cấy, nếu thuê người cấy sẽ phải chi từ 150.000-200.000 đồng/sào, trong khi đó việc dùng máy gieo sạ chỉ hết khoảng 40.000 đồng/sào. Các khâu dịch vụ như ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, tưới tiêu, thu hoạch... được HTX đảm nhiệm nếu bà con áp dụng gieo sạ máy. Chi phí mỗi héc ta lúa do đó có thể giảm được 5-6 triệu đồng. Hay việc đưa máy cấy sử dụng mạ gieo trên khay cũng tiện ích, hiệu quả không kém. Một chiếc máy cấy Kubota của Nhật Bản cấy khoảng 7 khay mạ/sào, tốc độ cấy đạt 0,77m/s, năng suất gấp 20 lần so với cấy tay, hàng cấy thẳng, đều và tiết kiệm mạ. Ưu điểm của cấy lúa bằng máy là khoảng cách giữa các hàng lúa cách đều nhau 30cm sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đưa máy cấy vào sản xuất góp phần giảm giá thành, chi phí mạ và thuê máy cấy chỉ 100.000 đồng/sào. Tính ra, mỗi héc ta lúa khi ứng dụng CGH giảm chi phí khoảng 5-6 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hiện nay khi lao động chính ở ngoại thành hầu hết đi làm tại các làng nghề, khu đô thị và trong các khu công nghiệp thì việc ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp là rất thuận tiện, vừa giúp người dân đỡ phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công cấy, gặt lúc mùa vụ, vừa giảm chi phí sản xuất. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Lưu Khê, xã Liên Bạt, Ứng Hòa Chu Văn Biểu khẳng định, chi phí từ khâu gieo mạ, cấy lúa đến khâu thu hoạch rất lớn. Việc đưa các loại máy xuống đồng dần thay thế sức lao động đang trở thành nhu cầu cần thiết của nông dân. Vụ xuân năm nay, toàn thôn Lưu Khê gieo cấy 114ha, chủ yếu là giống lúa chất lượng cao, trong đó 50% diện tích thích hợp cho ứng dụng máy cấy. Để giúp bà con đưa CGH vào sản xuất lúa, vụ xuân 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã liên kết với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đưa CGH đồng bộ vào sản xuất lúa tại các cánh đồng có diện tích lớn như cánh đồng 50ha tại xã Đồng Quang (Quốc Oai), 24ha tại xã Đại Áng (Thanh Trì) và 28ha ở xã An Mỹ (Mỹ Đức)…

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 200.000ha đất sản xuất lúa. CGH đồng bộ trong sản xuất lúa là điều tất yếu đối với nền nông nghiệp hiện đại. Xây dựng mô hình CGH tập trung đồng bộ vừa bảo đảm đúng khung thời vụ, vừa giảm chi phí sản xuất và sức lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, phát huy những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể nông thôn trong quá trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa CGH vào sản xuất lúa ở Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân 4,8 thửa/hộ, diện tích trung bình khoảng 400m2/thửa, nhiều nơi diện tích ô thửa chỉ đạt 200m2/thửa. Nếu không dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn thì việc đưa CGH vào sản xuất lúa khó có thể thực hiện. Hiện, CGH trong sản xuất lúa mới tập trung ở khâu làm đất (khoảng 80% diện tích), còn lại các khâu làm mạ, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… là rất ít, nhiều nơi người dân vẫn làm thủ công. Bên cạnh đó, giá cả các loại máy móc không phải là nhỏ đối với nông dân. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, Sóc Sơn đã cơ bản thực hiện dồn điền đổi thửa tại các xã, thôn, việc đưa CGH vào sản xuất lúa rất thuận lợi, bà con ủng hộ nhưng chi phí đầu tư cho máy móc cao. Hiện mỗi chiếc máy nông nghiệp có giá từ một trăm đến vài trăm triệu đồng, nếu để người dân tự đầu tư sẽ rất khó. Giải đáp thắc mắc trên, ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, vụ mùa tới, Hà Nội sẽ xây dựng điểm mô hình ứng dụng gieo mạ khay và cấy bằng máy Kubota tại một số địa phương, sau đó nhân ra diện rộng. Thành phố sẽ hỗ trợ 50% tiền mua máy cho các địa phương, HTX và hộ nông dân khi mua máy Kubota. Ngoài các chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc, các địa phương cần phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT sớm triển khai Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, cần sớm thành lập các HTX dịch vụ làm nhiệm vụ CGH để hỗ trợ cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm chi phí, giải phóng sức lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.