Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Giậm chân tại chỗ” vì vướng GPMB

Bạch Thanh| 06/08/2010 07:01

(HNM) - Dự án hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm) được phê duyệt từ năm 2004 với diện tích 500ha, là dự án nông nghiệp duy nhất chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời gian đến Đại lễ đã cận kề nhưng dự án trên tiến triển rất chậm. Nguyên nhân là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) phức tạp, kéo dài trong nhiều năm.


Vướng giải phóng mặt bằng


Dự án quy hoạch vùng trồng hoa Tây Tựu nhằm tạo cho Thủ đô Hà Nội có một công viên hoa hiện đại và giữ được nét đẹp truyền thống của một làng hoa lâu đời. Dự án được đầu tư trên 200 tỷ đồng, bao gồm: cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, thủy lợi, giao thông nội đồng… Trong đó, tiểu dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản hoa, phục vụ phát triển vùng hoa Tây Tựu" là phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm vùng hoa, biến Tây Tựu thành công viên hoa giữa lòng Thủ đô. Thế nhưng, đến thời điểm này, tiểu dự án trọng điểm do Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ.

Theo chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Từ Liêm phải hoàn thành việc GPMB và bàn giao cho HADICO chậm nhất vào ngày 30-3-2009 để công ty triển khai các bước tiếp theo, nhưng sau hơn một năm tất cả vẫn chỉ nằm trong kế hoạch. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: Nguyên nhân chậm trễ trong GPMB là do những thay đổi trong cơ chế đền bù. Một số bất cập nảy sinh từ Quyết định 18/UB của thành phố (năm 2008), theo quyết định này, những hộ có diện tích đất bị thu hồi lớn hơn 30% tổng diện tích đất nông nghiệp được đền bù 80m2 đất dịch vụ (tương đương với 548 triệu đồng), hộ còn lại được tính theo đơn giá 162 nghìn đồng/m2. Khi áp dụng thực tế, hộ ít diện tích đất thu hồi dưới một sào Bắc bộ (360m2), được bồi thường trên 600 triệu đồng; trong khi hộ nhiều đất nông nghiệp, bị thu hồi hai, ba sào mà vẫn chưa vượt quá 30% diện tích nên họ chỉ nhận được 1/5 số tiền so với những hộ kia. Thực tế này dẫn đến tình trạng hộ bị thu hồi ít đất lại được tiền đền bù nhiều hơn và ngược lại, vì vậy đã gây bức xúc trong nhân dân, khiến việc GPMB gặp khó khăn.

Ngày 1-10-2009, UBND thành phố ban hành Quyết định 108 quy định chế độ đền bù đất nông nghiệp thay thế Quyết định 18/UB; theo đó, đối với những hộ bị thu hồi đất, ngoài số tiền đền bù là 162 nghìn đồng/m2, được hỗ trợ thêm 5 lần giá đất (tương đương với 810 nghìn đồng/m2). Như vậy, trong cùng một dự án, cùng một khu đất bị thu hồi, số tiền đền bù giữa những hộ hưởng theo Quyết định 18 và Quyết định 108 có sự chênh lệch đáng kể. Ông Hoàng Trọng Chương, Phó Tổng giám đốc HADICO cho biết: Đến nay đã có 130 hộ đã nhận tiền đền bù GPMB, còn 51 hộ chưa nhận, Ban GPMB huyện và chủ đầu tư đang xem xét 7 trường hợp để làm sao có lợi nhất cho dân, còn đối với 43 hộ có những đòi hỏi không chính đáng không có cơ sở giải quyết. Theo kế hoạch, UBND huyện Từ Liêm sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các hộ này trong tháng 6 nhưng đến nay vẫn còn những vướng mắc chưa thực hiện được.

Đại lễ không có công viên hoa

Theo ghi nhận của PV, toàn bộ dự án trồng hoa công nghệ cao vẫn chưa thấy chuyển biến, tất cả người dân ở đây vẫn trồng và bán hoa như trước, tự sản tự tiêu. Hiện trạng vẫn như ngày đầu được phê duyệt dự án (năm 2004). Một người dân ở xã Tây Tựu cho biết: Xã có 2.500 hộ trồng hoa, từ bao đời nay người dân vẫn sinh sống bằng nghề này. Do yêu cầu của thị trường ngày càng cao về chủng loại hoa, thị hiếu người chơi hoa có sự thay đổi, nếu cứ trồng hoa đơn thuần như trước (chỉ có hoa hồng và hoa cúc) thì khó tiêu thụ. Bởi hai loại hoa này chủ yếu phục vụ vào ngày mùng 1 và ngày rằm hằng tháng, còn các loại hoa cao cấp như ly, lan… hiện còn rất ít. Tuy nhiên trồng các loại hoa này đòi hỏi kỹ thuật rất cao, chăm sóc công phu và phải có môi trường tốt, còn nếu trồng hoa không che lưới với thời tiết diễn biến bất thường sẽ không hiệu quả. Từ năm 2004, người dân rất mừng được biết ở Tây Tựu có dự án xây dựng công viên hoa, mục tiêu là không chỉ cung cấp hoa cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Như vậy làng hoa Tây Tựu có cơ hội trồng hoa cao cấp. Nhưng đến nay, đã 6 năm trôi qua, người dân vẫn chưa thấy thay đổi gì ở vùng hoa này.

Ông Lê Văn Việt cho biết thêm: Quy hoạch tổng thể phát triển vùng hoa Tây Tựu gồm có 4 dự án thành phần: điện, thủy lợi, đường giao thông nông thôn, mô hình ứng dụng công nghệ cao nhân giống hoa chất lượng. Hiện tại, chỉ có 2 dự án thành phần là điện và thủy lợi đã hoàn thành, còn phần quan trọng nhất là đường giao thông và khu ứng dụng công nghệ cao vẫn "án binh bất động". Dự án giao thông chưa hoàn thiện do liên quan đến 13 hộ chưa nhận tiền đền bù. Chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng chỉ có 5 hộ nhận, còn 8 hộ có đường giao thông đi qua vẫn không nhận tiền đền bù GPMB. Chủ đầu tư cam kết trong đầu tháng 8 sẽ hoàn thành 80% khối lượng công việc, nhưng thực tế lại không đúng như mong đợi. Như vậy, Thủ đô Hà Nội khó có một công viên hoa trong ngày Đại lễ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Giậm chân tại chỗ” vì vướng GPMB

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.