Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ và thực hiện phương án tổ chức kỳ thi theo tinh thần giảm áp lực, khó khăn với người học; đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học sinh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo lộ trình này, thời gian thực hiện chậm nhất là năm học 2020-2021 đối với lớp đầu tiên của cấp tiểu học; năm học 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp trung học cơ sở và năm học 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp trung học phổ thông.
Về định hướng của kỳ thi THPT quốc gia năm học 2018-2019, Chính phủ đã kết luận, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khắc phục khó khăn, hạn chế khuyết điểm, tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia năm học 2017-2018, từ đó thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia năm học này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ và thực hiện phương án tổ chức kỳ thi theo tinh thần giảm áp lực, khó khăn với người học; đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, năng lực của học sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với học sinh, đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học ở phổ thông, đồng thời có độ phân hóa phù hợp để làm cơ sở xét tuyển đại học trên tinh thần tự chủ, vì theo Luật Giáo dục đại học, các trường đại học, cao đẳng được tự chủ trong tuyển sinh, dựa vào những điểm thi này làm căn cứ tuyển sinh.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng nhắc lại ba giải pháp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đối với kỳ thi này là tổ chức ngân hàng đề thi đảm bảo phù hợp, có sự phân hóa, vừa đánh giá được năng lực học vừa có độ phân hóa để có thể lựa chọn được những học sinh tốt tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó khắc phục phần mềm bảo mật cho học sinh trong quá trình chấm thi. Cuối cùng là giải pháp về kỹ thuật trong công tác coi thi, chấm thi, đảm bảo an toàn, làm sao để phần trắc nghiệm không phải là giáo viên địa phương đó chấm.
Cùng trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, lộ trình của sách giáo khoa mới và kỳ thi THPT quốc gia là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, Thủ tướng đã kết luận, yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương, ban hành ngày 4-11-2013, đảm bảo quy định của luật pháp. Đối với lộ trình sách giáo khoa mới, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết số 51 của Quốc hội ngày 21-11-2017.
Về việc Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đề xuất miễn học phí cho học sinh khối trung học cơ sở các trường công lập của thành phố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 18-10, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, ngày 29-10 nhận được văn bản đề xuất của Thành ủy.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Luật Giáo dục quy định miễn học phí đối với khối tiểu học, không miễn học phí đối với cấp trung học cơ sở. Đối với cấp trung học cơ sở, Luật đưa ra mức khung học phí từ 60.000-300.000 đồng/học sinh/năm. Trên cơ sở khung đó, các tỉnh thông qua Hội đồng nhân dân đưa ra mức học phí cụ thể tùy theo từng điều kiện, mức sống của địa phương. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, khu vực đô thị đang thu mức 100 nghìn đồng/học sinh/năm; khu vực nông thôn thu mức 85.000 đồng/học sinh/năm.
“Đề xuất của TP Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP Hồ Chí Minh lui lại đề xuất này để khi có Luật Giáo dục sửa đổi sẽ thực hiện theo luật”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.