(HNM) - Từ ngày 13-4, với việc đón trẻ mầm non trở lại trường sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, toàn ngành Giáo dục Hà Nội đã khôi phục lại hoạt động dạy học. Trước những ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe do nghỉ tại nhà hoặc học trực tuyến trong thời gian dài, các nhà trường đều tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ tâm lý, giảm áp lực học tập cho học sinh.
Học sinh được hỗ trợ tối đa
Mầm non là cấp học cuối cùng trong hệ thống giáo dục của thành phố Hà Nội đã đón trẻ trở lại trường từ ngày 13-4, ghi dấu mốc đặc biệt của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc khôi phục lại các hoạt động ở điều kiện bình thường mới, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, dù còn nhiều khó khăn, song các nhà trường đều nỗ lực để hỗ trợ học sinh ở mức cao nhất, dành nhiều sự quan tâm đối với lớp 1, lớp 6 - những khối lớp lần đầu tiên được đến trường kể từ đầu năm học 2021-2022 đến nay.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Lê Thị Tuyết cho hay, nhà trường duy trì hình thức dạy học trực tiếp 2 buổi một ngày từ ngày 12-4, trong đó các giáo viên tập trung bổ trợ kiến thức cho học sinh vào buổi học chiều. Nhà trường đã xác định với các giáo viên sẽ rất vất vả trong thời gian đầu học sinh trở lại trường học tập. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên khắc phục khó khăn, cùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Trước thực trạng nhiều nhóm lớp mầm non tư thục giải thể, các giải pháp cũng được đưa ra nhằm tạo thuận lợi tối đa cho gia đình trẻ. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Hương, những trẻ theo học tại nhóm lớp giải thể được ưu tiên chuyển về học tại các trường công lập. Phụ huynh cũng có thể gửi con vào cơ sở mầm non ngoài công lập theo nguyện vọng.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, việc tổ chức dạy học trực tiếp của các trường học trên địa bàn thành phố diễn ra thuận lợi, nền nếp và an toàn. Tỷ lệ học sinh học trực tiếp ở cấp tiểu học đạt gần 93%, cấp trung học cơ sở đạt 94%, cấp trung học phổ thông đạt hơn 96%. Đây cũng là minh chứng cho sự đồng thuận của cha mẹ học sinh với việc học tập của con, sau thời gian dài không thể tới trường học do phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng hành vượt khó
Theo phản ánh từ các nhà trường trên địa bàn Hà Nội, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tâm lý của học sinh. Đồng hành cùng các em vượt qua khó khăn, trở ngại để bắt nhịp lại với cuộc sống bình thường mới là nỗ lực của các nhà trường, gia đình.
Ông Lê Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Do học trực tuyến khá dài, nên đi học trực tiếp trở lại, con gặp khó khăn khi giờ giấc sinh hoạt, học tập thay đổi. Tôi có cảm nhận con ngại giao tiếp hơn trước và dường như thích ở một mình. Vì vậy, trước mắt, gia đình không đặt nặng yêu cầu về học tập, mà động viên con tham gia hoạt động tập thể, giao lưu với bạn nhiều hơn, đồng thời kết nối với phụ huynh cùng lớp để trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ với con”.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) Đào Thị Cúc, dù thời gian còn lại của năm học không nhiều, nhưng trước mắt, nhà trường không đặt ra các yêu cầu về học tập, mà quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của học sinh nhiều hơn. Phòng tham vấn tâm lý của trường đã tổ chức tham vấn tâm lý nhóm, tham vấn tâm lý cá nhân với các nội dung chuyên đề như thải độc cảm xúc, chăm sóc sức khỏe tinh thần..., từ đó giúp học sinh có hành trang tâm lý tốt để tự ứng phó, giải quyết những vấn đề phát sinh. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức chuyên đề tham vấn dành riêng cho cha mẹ để đồng hành, lắng nghe con nhiều hơn.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Tuyết cho biết, với đặc thù tâm lý học sinh nhỏ tuổi thích trò chuyện với cô giáo, nhà trường đã tổ chức tập huấn để mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp là cán bộ tham vấn. Nhằm giúp học sinh tăng cường tương tác, chia sẻ lẫn nhau trong học tập và các hoạt động tập thể, các lớp còn tổ chức phong trào “Đôi bạn cùng tiến”. Học sinh của trường cũng có thể chia sẻ qua hòm thư “Điều em muốn nói”...
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cuối tháng 4-2022, Sở sẽ phối hợp với một số đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác tham vấn tâm lý của tất cả các trường phổ thông về những nội dung cần thiết, nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề học sinh gặp phải khi trở lại trường học. Đây cũng là giải pháp quan trọng của ngành Giáo dục Hà Nội để hoàn thành “mục tiêu kép” là bảo đảm an toàn cho học sinh về mọi mặt và thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đúng tiến độ, đạt chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.