(HNM) - Những năm gần đây, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các quận, huyện đã bị thu hồi để phục vụ triển khai các dự án. Vì thế, nhiều diện tích nông nghiệp xen kẹt còn lại không thể sản xuất do bị phá vỡ hệ thống tưới tiêu.
Vẫn còn những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, Hà Đông sẽ tiến hành cải tạo trong thời gian tới. |
Quận Hà Đông là một trong những địa phương có khá nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai các dự án. Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết: Hiện toàn quận có khoảng gần 90ha đất nông nghiệp xen kẹt. Diện tích đất loại này có thể tăng nếu tiếp tục có dự án liên quan đến việc thu hồi đất nông nghiệp. Từ những năm 2009 đến năm 2011, đối với những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt không còn sản xuất được, theo quy định, UBND quận có chính sách hỗ trợ người dân bằng tiền. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này không giải quyết được việc làm và không phát huy được giá trị tài nguyên đất…
Để khắc phục, UBND quận Hà Đông đã có nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị kinh tế từ nguồn đất này. Cụ thể, đối với những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt có thể khôi phục được sản xuất, UBND quận sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng như: Hệ thống điện, tưới tiêu... Một phần đầu tư còn lại do các HTX nông nghiệp trên địa bàn huy động nguồn kinh phí từ xã viên. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Lộ Nguyễn Tiến Anh cho biết, từ khi bàn giao đất cho Dự án Nam Cường, HTX còn 13,4ha đất xen kẹt gần như bỏ hoang. Sau khi được hỗ trợ, HTX đã hoàn thiện hạ tầng thủy lợi và phát triển nhiều mô hình trồng rau, cây ăn quả cho hiệu quả cao.
Tuy nhiên, thực tế, số diện tích đất nông nghiệp xen kẹt có thể khôi phục lại sản xuất nông nghiệp không lớn. Đây cũng là thực trạng của nhiều địa phương có nguồn đất nông nghiệp xen kẹt trên địa bàn thành phố.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đức Nam cho biết, hiện trên địa bàn huyện, đất nông nghiệp xen kẹt nằm trong khu dân cư hay tại các dự án có đất nông nghiệp bị thu hồi có diện tích khá lớn. Theo rà soát ban đầu, toàn huyện có hơn 3.000 trường hợp có đất nông nghiệp xen kẹt không thể khôi phục sản xuất. Đối với nguồn đất này, thành phố đã có chủ trương tháo gỡ, giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tương tự Đan Phượng, Hà Đông, hiện hầu hết các huyện trên địa bàn thành phố đều có diện tích đất nông nghiệp xen kẹt. Để tháo gỡ khó khăn về đăng ký, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, ngày 31-3-2017, UBND thành phố có Quyết định số 12/2017/ QĐ-UBND ban hành quy định về đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài; chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở trên địa bàn TP Hà Nội.
Quyết định cũng nêu rõ trường hợp đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư không còn phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp, thì UBND cấp huyện xem xét thực hiện theo một trong những các phương án: Thứ nhất, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đã được cấp thẩm quyền thu hồi đất sử dụng cho mục đích công cộng địa phương hoặc tổ chức xây dựng hạ tầng kỹ thuật bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Thứ hai, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp, HTX hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp, HTX hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch…
Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND đã giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc đối với đất nông nghiệp xen kẹt bởi nhiều hộ dân khó có thể thành lập doanh nghiệp để xây dựng phương án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Để tiếp tục tháo gỡ, sau khi thực hiện rà soát, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, UBND thành phố dự kiến sửa đổi một số điều của quyết định nêu trên, trong đó có nội dung về đất nông nghiệp xen kẹt với mục tiêu phát huy tối đa giá trị nguồn đất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.