Thế giới

Giải quyết vấn đề kết nạp thành viên mới: Phép thử cho sự thống nhất của EU

Quỳnh Dương 08/10/2023 - 08:13

Ngày 6-10 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường tổ chức ở Granada (Tây Ban Nha), Liên minh châu Âu (EU) đã phải đối mặt với một câu hỏi "đau đầu", đó là làm thế nào và khi nào kết nạp Ukraine cũng như một loạt quốc gia vùng Balkan như đã cam kết? Trong bối cảnh thách thức liên quan tới người nhập cư, thiếu hụt năng lượng ngày một gia tăng, sự chia rẽ giữa các thành viên ngày càng rõ rệt, EU đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

thong-nhat.jpg
Các nhà lãnh đạo EU dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường tổ chức ở Granada (Tây Ban Nha).

Khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022, hầu hết các nước EU đều khẳng định sự đoàn kết lâu dài với Kiev. Tuy nhiên, sau hơn 18 tháng xung đột, lập trường của nhiều quốc gia đã thay đổi. Sự rạn nứt trở nên rõ ràng giữa những nước muốn kết nạp Ukraine cùng nhiều ứng cử viên khác càng nhanh càng tốt và những nước ủng hộ một tiến trình xem xét thận trọng, đánh giá đầy đủ các tiêu chí trước khi mở rộng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, đã đến lúc EU cần chấp nhận mô hình đa tốc độ để sớm kết nạp các ứng cử viên đủ tư cách. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, EU nên thực hiện những lời hứa đã đưa ra với các nước ứng cử viên. Lãnh đạo các quốc gia thành viên khác như Italia, Séc cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình kết nạp các nước Tây Balkan vì lợi ích kinh tế và an ninh của khối. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban được cho là người có quan điểm khá gay gắt đối với kế hoạch kết nạp thành viên mới, đặc biệt là Ukraine. Ông khẳng định cần phải làm rõ những lợi ích của việc nước này gia nhập EU và hậu quả sẽ như thế nào đối với nông nghiệp, các vấn đề an ninh, quỹ gắn kết.

Những lo ngại của ông Viktor Orban không phải không có cơ sở. Bởi tăng số lượng thành viên có thể làm tăng áp lực với ngân sách EU và làm phức tạp thêm chính sách viện trợ khu vực cũng như quy trình ra quyết định của khối. Nói một cách cụ thể, chuyển từ 27 lên 36 thành viên có nguy cơ biến EU thành “cỗ máy” nặng nề kém hiệu quả và khó có thể nhanh chóng thông qua những cải cách.

Mới đây, Hội đồng EU đã đưa ra báo cáo phân tích chính thức đầu tiên về ý nghĩa của việc mở rộng trong tương lai đối với ngân sách khối, trong đó chỉ ra rằng, việc kết nạp Ukraine có thể đồng nghĩa với khoảng 186 tỷ euro của EU sẽ chảy vào nước này trong 7 năm. Còn việc thêm 6 quốc gia vùng Balkan, cũng như Georgia và Moldova, sẽ tạo thêm gánh nặng khoảng 74 tỷ euro. Báo cáo không đi sâu tính toán chi phí phải đóng góp của từng quốc gia châu Âu nhưng tập trung vào tác động dự kiến đối với chính sách nông nghiệp và gắn kết của EU. Khi đề cập đến trợ cấp nông nghiệp của EU, báo cáo chỉ ra, Ukraine sẽ là nước hưởng lợi chính, nhận được 96,5 tỷ euro trong vòng 7 năm.

Trong lịch sử hình thành và phát triển, EU đã nhiều lần kết nạp thêm thành viên. Đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử của khối diễn ra cách đây ngót nghét gần hai thập kỷ. Năm 2004, từ 15 quốc gia thành viên, EU đón nhận thêm 10 nước thành viên mới ở Đông Âu và vùng Balkan. Ba năm sau đó, EU tiếp nhận thêm 2 quốc gia nữa là Romania và Bulgaria. Tuy nhiên, sau khi Croatia gia nhập vào năm 2013, EU đã không kết nạp thêm bất cứ quốc gia thành viên mới nào.

Nguyên nhân là bởi những năm qua, EU phải căng mình đối phó với hàng loạt thách thức như khủng hoảng năng lượng, lạm phát, kinh tế đình trệ. Trong khi đó, bất ổn và những mâu thuẫn chưa được giải quyết là đặc điểm chung của các quốc gia ứng cử viên muốn gia nhập EU. Hiện 7/8 quốc gia ứng cử viên có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thấp hơn cả thành viên nghèo nhất EU. Việc kết nạp thêm các thành viên có khoảng cách phát triển quá xa có thể làm tăng những mắt xích yếu trong liên minh.

Là người ủng hộ tiến trình mở rộng, song Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định, tiến bộ mà các quốc gia đạt được trong việc điều chỉnh luật pháp của họ cho phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn của EU sẽ quyết định tốc độ trở thành thành viên, thay vì một thời hạn tùy tiện nào đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động hiệu quả, trước khi mở rộng, EU phải tự đổi mới trên quy mô lớn, trong đó có việc phân bổ lại quỹ, biến những người thụ hưởng hiện tại thành những người đóng góp để giúp đỡ các thành viên mới nghèo hơn. Ngoài ra, các nước thành viên cũng cần xem xét lại cơ chế “đồng thuận tuyệt đối” trong nhiều chính sách quan trọng mới có thể khiến EU vận hành một cách trơn tru khi gia tăng số lượng thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết vấn đề kết nạp thành viên mới: Phép thử cho sự thống nhất của EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.