(HNM) - Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng, quyết định đến 40% năng suất và chất lượng sản phẩm. Vậy nhưng, trong nước hiện nay đang rất thiếu những cơ sở (CS) sản xuất giống chất lượng, nhiều chủng loại giống vật nuôi hầu như phải nhập ngoại dẫn đến tình trạng bị động và khó kiểm soát, khiến ngành chăn nuôi gặp khó…
Giống ngoại lên ngôi
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đang phụ thuộc gần như hoàn toàn nguồn giống gà lông trắng nhập của nước ngoài. Năm 2011, cả nước đã nhập tới 2 triệu con gà bố mẹ. Đối với giống lợn, phải nhập khẩu giống đầu dòng vì CS trong nước không sản xuất được. Việc phụ thuộc khâu giống vật nuôi là cơ hội cho các DN nước ngoài ép giá và thao túng thị trường. Thực tế giá giống gà lông trắng giảm hay tăng đều do họ quyết định, nên những CS trong nước chịu nhiều áp lực. Cụ thể như thời điểm này giá gà giống đang giảm mạnh, giá thành của các CS sản xuất trong nước phải 8.000 đồng/ con nhưng chỉ bán được 3.000 đồng/con, lỗ 5.000 đồng/con. Các CS trong nước do nguồn vốn hạn chế, nếu thua lỗ, sản xuất cầm chừng, đến lứa sau không đủ tiềm lực sản xuất tiếp dẫn đến thiếu giống, gây tăng giá đột biến về giống. Hiện chỉ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chủ động được con giống, còn lại các hộ đều phải mua giống qua các thương lái hay đại lý cung ứng của nước ngoài.
Cần có cơ chế chính sách phù hợp và biện pháp quản lý các cơ sở sản xuất giống chăn nuôi trong nước. Ảnh: Thái Hiền
Theo ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thành phố hiện có 4 CS nuôi lợn giống "ông bà, bố mẹ" quy mô lớn là Viện Chăn nuôi, Công ty cổ phần CP-Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Hà Nội. Quy mô đàn lợn nái của Hà Nội là 16.000 con. Các CS giống gia cầm có 5 công ty lớn là Viện Chăn nuôi, Công ty cổ phần CP-Việt Nam, Jappa, Dabaco, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, quy mô đàn gia cầm giống 1,5 triệu con. Những đơn vị này và các trang trại chăn nuôi hằng năm sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 50 triệu con gia cầm giống các loại. Nhưng để đứng vững trên thị trường và điều hành chi phối giá giống lại hoàn toàn do các DN vốn nước ngoài. Số lượng con giống đáp ứng cho nhu cầu chăn nuôi của Hà Nội phải phụ thuộc nhiều vào CS giống của nước ngoài. Ông Tường cho rằng, không phải nguyên nhân chính là do giống của các CS trong nước không bảo đảm mà do chưa xây dựng được thương hiệu cùng với tâm lý sính ngoại của người dân nên giống nội tiêu thụ rất khó. Hiện cả nước có 4 triệu lợn nái sinh sản nhưng nông dân chê giống lợn nội nên các CS sản xuất giống trong nước khó cạnh tranh để phát triển.
Vì sao có tình trạng nêu trên? Ông Ngô Văn Mạnh, hộ chăn nuôi lớn ở huyện Thanh Oai cho biết, một năm nuôi được 3 lứa lợn thương phẩm nhưng ông đều chọn mua giống từ Công ty cổ phần CP Thái Lan. Mặc dù giá giống của CS trong nước và DN nước ngoài không chênh lệch nhiều nhưng thực tế, giống lợn nội tăng trọng thấp, chỉ 160 - 200 gram/ngày trong khi lợn ngoại có thể tăng tới 400 - 500 gram/ngày. Với giống gà ngoại chỉ cần 40 ngày đã đạt 1,5 kg/con nhưng đối với gà ta phải mất tới 160 ngày. Nhiều trường hợp người dân do mua giống ở những CS không có uy tín, mua phải giống kém chất lượng dẫn tới năng suất, chất lượng thấp ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế nên họ đều lựa chọn giống ngoại.
Sẽ gỡ khó khăn
Với tốc độ phát triển chăn nuôi mạnh như hiện nay, việc nâng cao chất lượng giống trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu để tạo ra dòng giống "cụ kỵ" để sản xuất ra giống "bố, mẹ" có năng suất và chất lượng cao là rất tốn kém vì phải đầu tư lớn. Vì vậy, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang nghiên cứu hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn bảo tồn và lưu giữ giống. Để bảo tồn những giống bản địa, các CS phải xúc tiến xây dựng thương hiệu. Hiện nay, TP đã thông qua chính sách hỗ trợ nông nghiệp, đối với CS đầu tư xây mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất tinh dịch lợn giống theo quy hoạch sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua lợn đực giống, 30% chi phí thiết bị kỹ thuật khai thác, pha chế, bảo quản. Mức hỗ trợ tối đa không quá 1 tỷ đồng/CS. Đối với CS đầu tư phát triển sản xuất giống vật nuôi bản địa được hỗ trợ kinh phí nhập giống "bố mẹ" lần đầu, tối đa không quá 20 triệu đồng/CS đối với gia cầm, 200 triệu đồng/CS nuôi lợn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các CS sản xuất giống nội địa phát triển.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Kim Giao cho rằng, để người chăn nuôi yên tâm sử dụng giống nội thì các CS sản xuất giống vật nuôi cần xây dựng bước đi phù hợp để đầu tư tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Các đơn vị quản lý của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất giống kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập giống vật nuôi. Kiểm tra quy mô, hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng con giống của mỗi CS sản xuất giống khi thành lập. Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các CS giống trong nước về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… Vấn đề mấu chốt là các CS sản xuất giống trong nước cần khẩn trương xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin với người chăn nuôi góp phần chủ động đáp ứng đủ giống cho sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.