Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân

Hà Phong - Lý Thị Mai| 27/11/2021 07:19

(HNM) - Năm 2021 là năm thứ ba liên tiếp số lượng khiếu nại, tố cáo giảm. Có được thành công này là do sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sâu sát, hiệu quả của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của các công dân...

Luật sư của Liên đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu nại tố cáo vượt cấp.

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ rệt so với năm 2020, trong đó: Số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%.

Tại Thủ đô Hà Nội, 10 tháng năm 2021, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 755 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và 4 đoàn đông người; tiếp nhận và xử lý 2.448 đơn (446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh). Trong đó, nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp; quản lý trật tự xây dựng... Nhiều vụ việc đã được giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cấp cơ sở, giúp hạn chế đơn thư gửi vượt cấp, phát sinh "điểm nóng" tại cơ sở...

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, nguyên nhân khiếu nại, tố cáo giảm đầu tiên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quy định của pháp luật và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ quan tâm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo (nhất là lĩnh vực quản lý đất đai). Ở cấp cơ sở, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đã tập trung vào cuộc ngay từ đầu, tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết và tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết của chính quyền cùng cấp.

Mặt khác, do tác động của dịch Covid-19 nên số dự án triển khai ít hơn, chậm hơn so với trước (nhất là các dự án liên quan đến thu hồi đất). "Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh nên công dân ít đến cơ quan có thẩm quyền để khiếu nại, tố cáo", ông Trần Ngọc Liêm nhận định.

Đánh giá về nhận định nêu trên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản thống nhất với quan điểm của Chính phủ. Dù vậy, cơ quan này cũng cho rằng công tác xử lý cũng có những mặt tốt lên, có mặt còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cần đánh giá kỹ hơn nguyên nhân để rút ra kinh nghiệm trong quản lý, điều hành...

Qua giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, dù công tác tiếp công dân đã được chú trọng nhưng việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân vẫn khá phổ biến ở các cấp. Vẫn còn tình trạng phân loại đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của công dân không đúng nên dẫn đến việc giải quyết không đúng trình tự, thủ tục. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh tuy được tăng cường, kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhưng vẫn chung chung, không rõ địa chỉ và trách nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Đỗ Duy Thường cho hay, trong giải quyết khiếu tố, chủ thể quan trọng nhất là người dân nên các cấp chính quyền, nhất là UBND các cấp phải bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Theo ông Đỗ Duy Thường, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được đặt vào vị trí người dân, ngay cách phúc đáp cũng phải hợp tình, hợp lý, thực hiện ngay từ cơ sở; cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên trung ương thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mới hiệu quả, giảm đơn thư bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.