Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra cục bộ ở hầu hết các địa phương.
Nơi tôi ở tại quận Long Biên, có một cô giáo cấp ba khá nổi tiếng bởi khả năng luyện thi với tỷ lệ đỗ đại học rất cao. Cách đây 2 năm, cô quyết định nghỉ dạy ở trường để tập trung vào công việc dạy thêm mà nghe nói đem lại thu nhập lên tới trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Dù chưa hẳn là phổ biến, nhưng là hiện tượng “chảy máu chất xám” rất đáng lo đối với ngành Giáo dục. Trước thềm năm học mới 2024 - 2025, có một số cuộc hội thảo về vấn đề thiếu giáo viên được tổ chức. Những con số được công bố khó có thể khiến những người quan tâm đến ngành Giáo dục “bình chân như vại”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu hơn 113.400 giáo viên các cấp. Thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật... Bộ chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khó khắc phục tình trạng thiếu giáo viên là sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc còn cao. Việc còn tới hàng chục nghìn biên chế được giao chưa tuyển đủ có lẽ cũng từ câu chuyện thu nhập mà ra.
Một nghịch lý đáng quan tâm nữa là trong khi giáo viên thiếu với số lượng lớn, nhưng quy mô đào tạo khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên lại có xu hướng giảm. Quy mô đào tạo khối ngành này năm 2022 - 2023 giảm hơn 62.000 sinh viên so với năm trước. Nhiều người cho rằng, tâm lý chưa mặn mà với ngành sư phạm có lẽ một phần là vì thu nhập chưa đủ hấp dẫn.
Cũng vì thu nhập mà còn có ý kiến đặt vấn đề, lẽ ra nếu có mức thu nhập “đủ đầy” thì giáo viên sẽ yên tâm chăm lo học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhiều hơn. Nhưng thay vào đó, không ít người phải dành thời gian để lo thêm phần “cơm áo gạo tiền” ở bên ngoài. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo viên, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo càng trở nên khó khăn, thách thức hơn. Liên quan đến chuyện này, nghỉ hẳn việc dạy trong trường để tập trung cho dạy thêm là lựa chọn của cô giáo ở Long Biên nói trên. Nó khác với không ít giáo viên đang trong cảnh “chân trong, chân ngoài”. Một số phụ huynh từng phản ánh, trên lớp có giáo viên dạy “không hết mình” nên học sinh không nắm chắc được bài. Nhiều gia đình dù không muốn con học xong ở trường lại phải “cày” ở lớp học thêm nhưng vẫn buộc phải chấp nhận “nhắm mắt đưa chân”.
Ngày 12-8-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn...
Như vậy, các giải pháp để "giải bài toán" thiếu giáo viên đã rất rõ, vừa có cả trước mắt vừa có cả lâu dài. Nhưng các cơ quan có thẩm quyền thực thi chủ trương trên có lẽ phải tăng tốc thực hiện, cụ thể hóa từng việc. Bởi trước việc khó, chủ trương một, biện pháp mười, thì quyết tâm phải hai mươi may ra mới có thể sớm tháo gỡ khó khăn. Chứ năm học mới chỉ ít ngày nữa là bắt đầu và một năm học cũng trôi qua rất nhanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.