Gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bài hát “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được xem như lời hiệu triệu, có sức mạnh thôi thúc toàn dân xông pha diệt giặc:
“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước/ Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước/... Đây Cửu Long hùng tráng, Đây Trường Sơn vinh quang/ Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù”.
Tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đặt ra yêu cầu phải có một bài ca chính thức của Mặt trận, trong đó vừa nêu được đường lối cách mạng, vừa kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng quê hương. Đầu năm 1961, nhiệm vụ này được giao cho ba đồng chí: Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước (gọi tắt là nhóm Hoàng Mai Lưu). Nhóm thống nhất giao cho Lưu Hữu Phước soạn ca khúc, nhóm sẽ góp ý và sửa chữa. Trong vòng một tuần, ca khúc “Giải phóng miền Nam” đã hoàn thành.
Bài hát đã bám sát chủ trương đấu tranh vũ trang, kêu gọi toàn dân chiến đấu dưới lá cờ của Đảng “Vai sát vai chung một bóng cờ/... Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng/ Cầm gươm, ôm súng, xông tới/ Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi/ Dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”.
Sau khi nghe bài hát, đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã nói: "Được rồi, hay lắm!... Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí". Bài hát nhanh chóng được phổ biến rộng rãi qua làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam và các đoàn văn công.
Có một chi tiết thú vị: Khi ghi tên tác giả, nhóm đề là Huỳnh Minh Liêng (thay cho Huỳnh, Mai, Lưu) để giữ bí mật. Nhưng khi đăng trên báo Nhân Dân, không hiểu vì lý do gì đã in thành Huỳnh Minh Siêng. Sau, tác giả cũng không sửa vì từ Siêng cũng có ý nghĩa tích cực.
Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921 - 1989, quê Cần Thơ) nổi tiếng với các chính ca gắn liền với lịch sử cách mạng dân tộc. Ông từng là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ở Cần Thơ quê hương ông, công viên trung tâm thành phố và Trường THPT đã vinh dự mang tên nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.