Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp thiết thực

Minh Đức| 28/09/2017 06:18

(HNM) - Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của ngành Giáo dục năm học 2017-2018 là việc biên soạn, đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa nội dung giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Trong bối cảnh hiện tượng học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến

Một buổi giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.



Thực tế, từ năm học 2014-2015, với sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu giáo dục an toàn giao thông ở cấp THCS. Tuy nhiên, tài liệu này mới chỉ được dùng với phương thức là tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Vậy nhưng, hiệu quả giáo dục vẫn chưa được như mong muốn. Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi triển khai tài liệu; trong đó có phần việc quan trọng là rà soát, xây dựng chương trình, nội dung và thời lượng giáo dục an toàn giao thông để đưa vào giảng dạy chính khóa tại tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước.

Tại Hà Nội, chuẩn bị khai giảng năm học 2017-2018, lãnh đạo thành phố đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn tài liệu chuyên đề “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội”, thể hiện sự quan tâm sâu sát đối với phần việc này. Ngoài Sở Giáo dục và Đào tạo - cơ quan thường trực, thành phần Ban Chỉ đạo còn bao gồm các đơn vị như Công an thành phố, Sở Giao thông - Vận tải...

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, công tác biên soạn đang được gấp rút triển khai với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giáo viên. Nhằm tăng tính tương tác và hiệu quả giáo dục, tài liệu sẽ được đưa vào một số trường học để tổ chức dạy thí điểm từ học kỳ II, năm học 2017-2018, xin ý kiến góp ý của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy. Đây là cơ sở để Ban Chỉ đạo hoàn thiện nội dung của bộ tài liệu và chính thức đưa vào giảng dạy đại trà từ năm học 2018-2019. Dự kiến, học sinh mỗi khối lớp sẽ có 6 bài học trong chương trình chính khóa về nội dung này.

Ngoài chương trình giảng dạy, trong những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã có sáng kiến nhằm cải thiện tình trạng lộn xộn, tắc đường, kẹt xe, mất an toàn giao thông tại khu vực cổng trường mình, đồng thời góp phần giáo dục cho học sinh thói quen chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Điển hình là việc Ban Giám hiệu, giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) không ngại thời tiết mưa nắng, hằng ngày đến trường sớm, ra tận cổng để đón học sinh; mỗi buổi chiều lại trả học sinh trực tiếp tới từng phụ huynh. Cách đó không xa, do diện tích sân trường hẹp, cổng trường sát đường giao thông, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản phối hợp với lực lượng dân phòng và công an phường hằng ngày phân luồng giao thông; bố trí khu vực trả học sinh tại vườn hoa đối diện trường nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh, bảo đảm an toàn cho học sinh.

“Chúng tôi đã quen khi vào cuối mỗi buổi chiều, giáo viên chủ nhiệm của các lớp cầm biển tên lớp, dẫn từng đoàn học sinh ra phía vườn hoa, bàn giao từng học sinh về với gia đình. Đây cũng là cơ hội để phụ huynh hỏi thăm, trao đổi với thầy, cô giáo những vấn đề còn băn khoăn trong cách chăm sóc, giáo dục con”, bà Nguyễn Thu Hoài, phụ huynh học sinh lớp 3B chia sẻ.

Những hình ảnh, cử chỉ tưởng chừng nhỏ ấy không chỉ góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn cho học sinh mà còn làm đẹp thêm hình ảnh của đội ngũ thầy, cô giáo Thủ đô. Với chủ trương mưa dầm thấm lâu, bên cạnh việc đưa nội dung giáo dục an toàn giao thông vào chương trình chính khóa, những tấm gương ấy đã và đang được lan tỏa mỗi ngày ở từng nhà trường, góp phần xây dựng nếp tham gia giao thông có văn hóa cho học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.