(HNMO) - Ông Ngô Tuấn Anh, Tổng giám đốc kiêm Nhà sáng lập Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết, sau 2 tuần triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong trường học - SafeGate School, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, (với hơn 2.000 máy tính và thiết bị di động), số truy vấn internet an toàn là hơn 3,6 triệu truy vấn; đặc biệt, giải pháp đã bảo vệ, ngăn chặn khoảng 9% số truy vấn, tức hơn 300.000 truy vấn độc hại, lừa đảo, nội dung không phù hợp học sinh.
Ông Ngô Tuấn Anh cho biết, đến ngày 23-3 vừa qua, chỉ trong 6h, đội ngũ kỹ thuật của SafeGate, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái và Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai xong giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong trường học - SafeGate School cho toàn bộ 36 trường trên địa bàn, với 14.000 học sinh và 700 cán bộ, giáo viên và nhân viên.
Với giải pháp này, các thầy cô giáo được trực tiếp trải nghiệm sự khác nhau giữa hệ thống mạng chưa được bảo vệ và đã được bảo vệ an toàn, có thể hoàn toàn chủ động quản lý, kiểm soát hệ thống mạng của trường mình mà không cần phải biết các kiến thức chuyên sâu về an toàn, an ninh mạng. Đây là điều khác biệt vì các giải pháp khác hầu hết đều cần các quản trị viên chuyên nghiệp để vận hành.
“Đây là chương trình tài trợ của SCS, nhưng nếu tính phí, thì phí đảm bảo an toàn thông tin/học sinh/tháng cũng chỉ vào khoảng 4.000 đồng, tương đương 1 cốc trà đá”, lãnh đạo Công ty An ninh mạng thông minh SCS thông tin.
Cùng với đó, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước quý I-2023 ngày 7-4 vừa qua, ông Ngô Tuấn Anh đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo thị trường an toàn thông tin mạng cho gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cơ quan tổ chức; triển khai các nội dung của Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025"; đồng thời hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường quốc tế.
Trả lời đề xuất của ông Ngô Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong khi người dân cài đặt các ứng dụng của nước ngoài với chi phí khá đắt, khoảng 70.000-80.000 đồng/tháng, còn sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 4.000 đồng/tháng, thì cơ quan nhà nước cần phải đứng ra quảng bá, khuyến khích để người dân sử dụng. Một bên, chúng ta bỏ tiền ra mua, rồi không thu được thuế, một bên là doanh nghiệp trong nước đã có sản phẩm thí điểm tốt, vậy cần khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng ra các trường học trong cả nước. “Khi doanh nghiệp trong nước đã làm ra sản phẩm tốt thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra quảng bá, tạo cơ hội cho phát triển…”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.