Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa chất Trần Tuấn Anh cho biết, để phục vụ phòng tránh thiên tai, các nhà khoa học đang triển khai nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, phát triển các phương pháp, công nghệ để dự báo, cảnh báo sớm, cảnh báo tức thời thiên tai xảy ra trên lãnh thổ ở các quy mô khác nhau, từ cấp quốc gia, đến từng vùng, vị trí có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Một trong những giải pháp căn cơ, có tác động lâu dài là xây dựng các bản đồ cảnh báo thiên tai. Đến nay, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai ở tỷ lệ nhỏ (cả nước) và tỷ lệ trung bình (các tỉnh). Trên các bản đồ này chỉ ra các khu vực có khả năng xảy ra thiên tai ở các cấp độ khác nhau.
Về cảnh báo sớm lũ quét, do đặc trưng xảy ra nhanh, bất ngờ, việc cảnh báo sớm lũ quét còn gặp rất nhiều khó khăn, các nghiên cứu khoa học và công nghệ vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Ngoài ra, để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở và lũ quét gây ra tại các khu vực miền núi cần quy hoạch các vùng dân cư. Đối với thiên tai sạt lở, nên xây dựng các khu dân cư cách xa ảnh hưởng của mái dốc. Nếu khu dân cư bắt buộc sống gần mái dốc thì mái dốc cần được gia cố bằng tường chắn kiên cố và lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm thiên tai sạt lở. Đối với thiên tai lũ quét, cần tránh những nơi mà dòng chảy hướng thẳng vào khu dân cư (quy hoạch khu dân cư trên bờ cong nhỏ của dòng suối); quy hoạch khu dân cư chỉ ở một bên bờ suối (bờ cao thì tốt hơn).
Bên cạnh đó, cần phải chú ý tới yếu tố cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sự ổn định của môi trường tự nhiên để phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.