(HNMO) - Sáng 5-8, Công đoàn Y tế Việt Nam (Bộ Y tế) phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ hai dịch Covid-19".
Tại tọa đàm, các chuyên gia y tế cho biết, trong đợt dịch này đã ghi nhận nhiều nhân viên y tế bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn đợt dịch trước. Chính vì vậy, các cơ sở y tế cần tăng cường các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Chuẩn bị một nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện
Sau 99 ngày Việt Nam không phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thì từ 25-7 cho đến sáng 5-8, Việt Nam ghi nhận thêm 255 ca mắc Covid-19 mới, đáng chú ý, có 224 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và đã lây lan sang 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thái Bình và Hà Nam. Cũng trong khoảng 2 tuần qua, có 14 trường hợp mắc Covid-19 là các cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 2 sinh viên ngành Y.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ sự xúc động trước sự cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt trước việc một số cán bộ y tế của Việt Nam mắc Covid-19.
Đánh giá về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch của Việt Nam so với thế giới, ông Kidong Park cho rằng, hiện nay ở nhiều quốc gia khác cũng đang phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Đáng lưu ý, có những ca nhiễm không có biểu hiện ra bên ngoài. "Đại dịch chưa thể chấm dứt ngay nên người dân cần cảnh giác. Đặc biệt, tại các bệnh viện, cơ sở y tế, công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn phải thực hiện toàn bộ thời gian chứ ko chỉ thời điểm dịch bùng phát", ông Kidong Park lưu ý.
Đề cập quy trình phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế, Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho rằng, trong đợt dịch Covid-19, các bác sĩ, điều dưỡng lại trở thành bệnh nhân, đây là trạng thái đảo chiều mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng không muốn. Bởi nếu họ bị nhiễm bệnh thì bệnh nhân sẽ không được chăm sóc tốt nhất, thậm chí cũng bị nhiễm bệnh, ngoài ra, hệ thống y tế bị thiếu đi một lực lượng phục vụ.
"Nếu dịch tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, trong đó quan trọng nhất là các bác sĩ, chuyên gia, điều dưỡng về hồi sức cấp cứu... Do đó, chúng ta cần chuẩn bị một nguồn nhân lực để sẵn sàng chi viện. Mặt khác, các cán bộ y tế cần tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế về an toàn để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, đồng nghiệp và bệnh nhân", Thạc sĩ Phạm Đức Mục nói.
Không để trang thiết bị tái chế lọt vào bệnh viện
Hiện nay, trên thị trường đang có những cơ sở tái chế khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng. Theo Thạc sĩ Phạm Đức Mục, đó là vấn đề không thể chấp nhận được. Những người chịu trách nhiệm mua sắm, lãnh đạo các cơ sở y tế không được để các trang thiết bị tái chế, không bảo đảm chất lượng lọt vào các bệnh viện, cơ sở y tế. Các bệnh viên phải tăng cường kiểm tra, giám sát bởi các thiết bị phòng hộ là một trong những lá chắn bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế.
Đề cập nguy cơ lây lan dịch tại bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, toàn bộ các bệnh nhân trong đợt dịch này đều lây lan ra từ Bệnh viện Đà Nẵng. Đặc biệt, dịch đã tấn công thẳng vào khu vực điều trị bệnh nhân nặng, như: Chạy thận nhân tạo, tim mạch, người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền... Hiện tại, có những người bệnh quá nặng, chạy thận nhiều năm, suy tim, do đó, số lượng ca tử vong dự báo sẽ nhiều. Điều này cho thấy, nguy cơ ổ dịch trong bệnh viện là vô cùng nguy hiểm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác. Khi phát hiện thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt, khó thở cần tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay lập tức, đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần quan tâm đặc biệt đến những người cao tuổi, người có bệnh nền, như đang phải chạy thận, tim mạch, tiểu đường... vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
"Chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch, tuân thủ các quy định về an toàn bệnh viện tại các cơ sở y tế. Đơn vị nào lơ là trong công tác chuyên môn sẽ bị xử lý nghiêm khắc", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn ngành Y tế đã hỗ trợ mỗi đoàn viên 2 triệu đồng và huy động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi cán bộ 2 triệu đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành cũng đã hỗ trợ bằng quỹ xã hội từ thiện 50 triệu đồng cho các cán bộ bị cách ly tại Bệnh viện C Đà Nẵng, 50 triệu đồng tới Bệnh viện trung ương Huế - nơi đang điều trị cho 25 ca mắc Covid-19 nặng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.