(HNM) - Sau gần 20 năm triển khai xây dựng tủ sách pháp luật theo Quyết định số 1067/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án xây dựng và quản lý tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, đến nay mỗi đơn vị cấp xã đã có 1 tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các phương tiện truyền thông như hiện nay, rất cần có giải pháp mới cho kênh tuyên truyền phổ biến pháp luật này.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước đã xây dựng được 11.637 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn. Phần lớn các tủ sách cấp xã đều bảo đảm có các loại sách, báo, tài liệu pháp luật theo quy định. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngoài những đầu sách cơ bản, hằng năm, hầu hết các quận, huyện đều bổ sung sách cập nhật các luật mới ban hành và đặt tại bộ phận "một cửa", phòng tiếp công dân... Tuy nhiên, trên thực tế, số văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hằng năm khá nhiều nên việc cập nhật thay thế không theo kịp. Trong khi đó, lượng người đến đọc ở các phường, xã, thị trấn cũng rất thưa thớt.
Các tủ sách pháp luật ở xã, phường trên địa bàn các quận, huyện thuộc Hà Nội như: Chương Mỹ, Cầu Giấy, Hà Đông… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các tủ sách này thường chỉ có cán bộ, công chức đang công tác tại xã, phường, thị trấn tra cứu, tìm hiểu khi có nhu cầu, còn hiếm khi có người dân đến đọc. Qua đợt giám sát mới đây của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội tại các quận, huyện về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thấy, tủ sách pháp luật của một số phường, xã thuộc các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đan Phượng… chỉ tồn tại “cho có”, số lượng sách, báo còn hạn chế.
Theo bà Phạm Thu Hồng, ở phường Gia Thụy (quận Long Biên), hiện nay các loại hình phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội... phát triển mạnh mẽ, người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện sử dụng mạng internet ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào để tìm kiếm thông tin pháp luật. Điều đó khiến nhiều người không mặn mà với tủ sách pháp luật.
Không chỉ ở Hà Nội, tại các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Nam Định, Hòa Bình, việc vận hành tủ sách pháp luật đều bộc lộ sự lãng phí, không hiệu quả.
Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Theo đó, dự kiến sẽ bổ sung điều khoản về tủ sách pháp luật điện tử với hai phương án. Một là xây dựng tủ sách pháp luật điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, vận hành trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Cổng thông tin phổ biến giáo dục pháp luật. Phương án hai: Xây dựng tủ sách pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, UBND các cấp quản lý, vận hành trên cổng, trang thông tin của bộ, ngành, địa phương.
Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định 06/ 2010/QĐ-TTg, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng trong điều kiện hiện tại thì chưa nên xóa bỏ ngay tủ sách pháp luật truyền thống mà cần tiếp tục phát huy vị trí vai trò là công cụ hỗ trợ nghiên cứu, học tập, giải quyết công việc, phát triển văn hóa đọc của cán bộ, công chức và người dân, đặc biệt là đối với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn còn khó khăn.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng: “Tinh thần chung là tiếp tục duy trì tủ sách pháp luật truyền thống nhưng đổi mới mạnh mẽ cách thức xây dựng, quản lý, khai thác. Cùng với đó là tiến hành xây dựng tủ sách pháp luật điện tử”. Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, trước mắt sẽ hạn chế đầu tư cho tủ sách pháp luật ở những nơi có điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật thuận lợi để tập trung ưu tiên cho các xã ở vùng biên giới, hải đảo, huyện nghèo. Đối với việc xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, dù theo phương án nào cũng nhất quán tinh thần là tủ sách pháp luật điện tử dùng chung, chứ không phải nhà nhà, ngành ngành cùng làm tủ sách pháp luật điện tử cho riêng mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.