Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp mới cho chất lượng dạy nghề

Hoàng Hà| 02/08/2012 06:47

(HNM) - Công tác dạy nghề của các trường đại học, cao đẳng nghề trong nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều vướng mắc khó giải quyết nếu thiếu sự đồng bộ.


Hầu hết các trang thiết bị dạy và học nghề không có nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên vẫn thiếu chuyên nghiệp, trình độ tay nghề của học sinh chưa xuất sắc như mong đợi, việc thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề chưa phổ cập, mới chỉ kiểm định được 6% số trường nghề hiện có… Đứng trước những khó khăn, thách thức về chất lượng dạy nghề những năm qua, Tổng cục Dạy nghề đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 nhằm tiến tới mục tiêu dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới… Người lao động sẽ hoàn thiện chính mình với việc rèn luyện để có đủ trình độ, độ nhạy cảm với môi trường làm việc mang tính cạnh tranh cao. Sự cạnh tranh này thực sự công minh giữa lao động Việt Nam với nhau, giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài, lao động tham gia xuất khẩu…

Mục tiêu chiến lược đề ra là đến năm 2020 sẽ có 1.590 cơ sở dạy nghề. Như vậy, đây là các cơ sở nhận nhiệm vụ đào tạo và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% (khoảng 23,5 triệu người) vào năm 2015 và 55% (khoảng 34,4 triệu người) vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Dạy nghề đã đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó có 2 nhóm giải pháp được xem là đột phá. Đó là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác dạy nghề; đặc biệt là xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng với yêu cầu. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực, quốc tế về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề được quan tâm đặc biệt. Đồng thời, xây dựng khung trình độ nghề quốc gia; phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề; kiểm soát, bảo đảm chất lượng dạy nghề… theo đúng quy chuẩn.

Chiến lược này là một thách thức lớn bởi công tác đào tạo nghề còn nhiều vướng mắc, trình độ tay nghề của lao động có xuất phát điểm thấp, việc xã hội hóa công tác dạy nghề còn hạn chế, cơ cấu lao động giữa các ngành nghề còn mất cân đối… Do đó, theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thì để làm tốt chiến lược phát triển dạy nghề sẽ còn rất nhiều việc phải giải quyết đồng bộ. Điều đặc biệt cần phải làm là đẩy mạnh xã hội hóa, gia tăng nguồn lực cho công tác dạy nghề trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo… Đồng thời cần hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề theo hướng phân định rõ chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm. Các cơ sở dạy nghề được là một chủ thể độc lập và người đứng đầu cơ sở đó phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải được đào tạo về quản lý dạy nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp mới cho chất lượng dạy nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.