Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp không thể khuyến khích

Gia Bảo| 15/11/2013 07:56

(HNM) - Tại một phường ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), người dân đã được trang bị gậy để tự bảo vệ tính mạng cũng như tài sản. Không thể phủ nhận kết quả mang lại nhưng cái họa lớn hơn cũng dễ xảy ra.

Phát gậy chống trộm cướp cho người dân.



Lợi thì có lợi…

Ông Lưu Mạnh Cường, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường 3 (quận Tân Bình) cho biết, trên địa bàn phường có 5 khu phố, mỗi khu phố đều có các tổ dân phố và hộ dân đều được phường trang bị gậy tầm vông và 1 chiếc kẻng báo động, nhằm chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT trên địa bàn. Bên cạnh gậy gộc, lực lượng Bảo vệ dân phố với 23 người của phường cũng trực chốt 24/24h (chia làm 2 ca) và thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân trong việc đề cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm.

Ông Trương Gia Bình, Tổ trưởng tổ 43 (khu phố 3, phường 3, quận Tân Bình) cho hay, trước kia tình hình ANTT trên địa bàn khá phức tạp với các vụ trộm, cướp thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình hình trên đã giảm hẳn bởi nhờ UBND quận Tân Bình cũng như lãnh đạo phường 3 đẩy mạnh các công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có việc trang bị gậy đến từng hộ dân và hệ thống kẻng báo động. Mỗi năm, UBND phường tổ chức 4 lần họp các khu phố (trung bình 3 tháng/ lần) nhằm báo cáo và phổ biến kế hoạch hoạt động của phường và quận, trong đó, nội dung đặc biệt được chú trọng là đưa ra các giải pháp đối phó cũng như nhắc nhở người dân luôn đề cao cảnh giác trước mọi tình huống mất ANTT.

Theo Công an quận Tân Bình, chủ trương trang bị gậy tầm vông cho người dân đã được triển khai khoảng 5 năm nay, với mục đích để người dân chủ động khống chế tội phạm và tránh bị thương tích khi gặp tội phạm manh động.

Trước diễn biến tội phạm có dấu hiệu tăng trở lại vào dịp cuối năm, UBND thành phố vừa yêu cầu Công an thành phố tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. UBND thành phố cũng yêu cầu các UBND quận, huyện tập trung giải quyết dứt điểm địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, không để tội phạm gia tăng, đặc biệt, vào dịp cao điểm sắp tới như lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ 2014.

Cơ quan chức năng phải xem lại

Có thể thấy, việc "xã hội hóa" công tác bảo vệ ANTT như cách làm trên ít nhiều đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng và khi bị dồn vào đường cùng có thể hết sức manh động. Trong khi đó, người dân không có kỹ năng, nghiệp vụ, nếu truy đuổi đối tượng hung hãn có hung khí, dễ bị nguy hiểm tới tính mạng.

Mặt khác, không phải người dân nào cũng rành rẽ pháp luật để điều chỉnh hành vi phù hợp. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ dân bắt được cướp đã tức giận cùng nhau đánh chết trộm cướp để rồi từ
nạn nhân, họ thành tội phạm. Điển hình là vụ đánh chết trộm chó tại Bắc Giang vào cuối tháng 8-2013, 7 người tham gia đã bị khởi tố hình sự. Tương tự, vào cuối tháng 8-2013, tại tỉnh Thanh Hóa, hai nghi can trộm chó cũng bị dân làng vây đánh khiến 1 người tử vong. Hậu quả, nhiều người dân sau đó đều bị khởi tố.

Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là địa bàn "nóng" về tình trạng cướp giật, đến mức Bộ Công an từng phải tăng cường cho TP Hồ Chí Minh 600 chiến sĩ cảnh sát cơ động, phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm. Công an TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều đợt ra quân trấn áp tội phạm và thu về kết quả không nhỏ. Nhưng tình hình ANTT hiện nay ra sao? Theo báo cáo của Công an thành phố, trong 10 tháng của năm 2013, trên địa bàn đã xảy ra 5.109 vụ phạm pháp hình sự, tăng 144 vụ (2,9%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Không thể xem nhẹ vai trò của quần chúng trong phòng, chống tội phạm nhưng thực trạng trên cho thấy, ngành chức năng phải xem lại giải pháp trang bị gậy cho dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp không thể khuyến khích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.