(HNM) - Việt Nam có nhiều di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể rất có giá trị. Những di sản này là nguồn tài nguyên quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Thế nhưng, những di sản này dường như đang bị tận thu.
Du khách quốc tế tham quan động Thiên Cung - vịnh Hạ Long. Ảnh: Bảo Lâm |
Di sản đang bị đe dọa
Hiện nay, cả nước có 34 di tích quốc gia đặc biệt, 3.168 di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, trong số đó UNESCO công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 di sản tư liệu... Theo Tiến sĩ Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội), nguồn di sản này đóng góp vào công cuộc phát triển du lịch cũng như tạo ra nhiều lợi ích cho những bên liên quan và ngược lại. Bà phân tích: "Rất nhiều di sản, khu di tích nếu không có tiền thu từ việc bán vé tham quan thì công việc bảo tồn khó được thực hiện. Mặt khác, nhờ có du lịch, những nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể mới sống lại và được bảo tồn. Đồng thời, du lịch góp phần tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các nền văn hóa, quốc gia, khu vực".
Theo nghiên cứu của UNESCO, 37% khách du lịch có động cơ văn hóa và khách du lịch di sản, văn hóa có xu hướng ở lại lâu hơn, đi thăm nhiều nơi hơn 2 lần, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn so với những đối tượng khách khác. Du lịch di sản cũng đem lại nguồn lợi không nhỏ cho địa phương. Số liệu của Cục Di sản văn hóa năm 2013 cho thấy, di tích Cố đô Huế và vịnh Hạ Long, mỗi nơi đón xấp xỉ 2 triệu khách, thu về hàng trăm tỷ đồng từ việc bán vé; phố cổ Hội An đón 1,5 triệu khách, thu 65 tỷ đồng từ tiền vé; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón 254.785 lượt khách, đem về 23,6 tỷ đồng từ tiền vé… Thế nhưng, có một thực tế là di sản đang bị tận thu. Theo chuyên gia địa chất Vũ Lê Phương (Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), việc có quá nhiều người cùng xuất hiện với vô số tiếng ồn, nhiệt độ thay đổi, sự đụng chạm, sờ mó, đục đẽo, xả rác... có sức tàn phá di sản rất mạnh. Có thể thấy rõ điều này tại hang động ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Sau một thời gian mở cửa đón du khách, nhũ đá tại địa điểm này đã bị đen xỉn hoặc mọc rêu xanh chứ không còn màu nhũ trắng tinh khiết như lúc vừa được khám phá. Bà Dương Bích Hạnh cảnh báo: "Vấn đề bảo tồn di sản phải được đặt lên hàng đầu. Nếu các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào khai thác mà không bảo tồn thì chỉ sau 5 - 10 năm di sản sẽ kiệt quệ, không còn gì để khai thác nữa".
Đồng quan điểm trên, ông Lương Duy Doanh - Giám đốc Five Stars Travel cho rằng, ở nước ta, trong khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hồ sơ xin công nhận di sản nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại những bất cập. Cụ thể, khi địa danh du lịch hay văn hóa được công nhận di sản thì lập tức có sự đi xuống về chất lượng điểm đến và sự gia tăng về giá cả khiến cho du khách cảm thấy rằng, điểm đến chưa được công nhận là di sản thì mình được chia sẻ, cảm nhận sâu sắc hơn khi đã được công nhận.
Du lịch cần có trách nhiệm
Theo ông Kai Partale, chuyên gia phát triển ngành của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ, muốn khai thác lâu bền các giá trị của di sản, nhất thiết phải thực hiện du lịch có trách nhiệm. Ông phân tích rõ, du lịch có trách nhiệm là khám phá vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa, đồng thời không để lại những tác hại tiêu cực lên các điểm di sản. Việt Nam có một nền văn hóa đậm đà và đa dạng, vừa mang tính lịch sử vừa hiện đại với những thành phố sôi động và làng quê độc đáo, nơi có những nhóm người dân tộc thiểu số vẫn đang sống theo phương thức sinh hoạt truyền thống. Chính vì vậy, du lịch Việt Nam cần truyền tải những tài sản văn hóa này một cách nguyên bản và lôi cuốn cho du khách. Để các di sản văn hóa thực sự hấp dẫn khách du lịch, Việt Nam cần phải xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa; đồng thời ưu tiên hàng đầu cho công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam qua các công cụ thông tin trực tuyến. Phát triển du lịch có trách nhiệm là một trong những giải pháp trụ cột nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo bà Dương Bích Hạnh, để di sản không bị đe dọa thì phải chia sẻ lợi ích, bảo đảm sự tham gia đồng đều của tất cả các bên liên quan. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều nơi du lịch rất phát triển, nhưng cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít. Lợi ích chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải các doanh nghiệp tại địa phương. Điều này dẫn đến việc người dân ở nơi có di sản chèo kéo, “chặt chém” du khách mỗi khi có dịp. Chính vì vậy, cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề cần được hỗ trợ để họ làm ra các sản phẩm phục vụ du lịch; hoặc các cơ quan liên quan có những chính sách đào tạo cho người dân địa phương làm du lịch. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của du khách để họ có những hành động thiết thực tại điểm đến như: Mua các sản phẩm của địa phương; thuê hướng dẫn viên du lịch là người bản địa; ăn, nghỉ ở nhà hàng của địa phương… bởi đó cũng là phương thức thể hiện trách nhiệm với di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.