Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hạn chế xâm hại đê điều

Kim Văn| 06/03/2017 07:24

(HNM) - Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Đê điều, nhiều bất cập nảy sinh khiến tình hình vi phạm pháp luật lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn cho công trình phòng, chống lũ lụt, rất cần giải pháp sát với thực tiễn…

Nhà chờ bến đò xã Vạn Phúc vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng.


Vi phạm nhiều, xử lý ít?

Tháng 7-2014, phát hiện ông Nguyễn Tùng Lâm ở thôn 3, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) xây dựng nhà chờ bến đò, hai cơ quan chuyên ngành là Hạt Quản lý đê số 3 (Sở NN&PTNT) và Đội Thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng) đều kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu ngừng thi công, đồng thời đề nghị UBND xã và huyện xử lý, tháo dỡ công trình vi phạm Luật Đê điều, Luật Xây dựng… Tuy nhiên, đến ngày 2-3-2017, tại hiện trường, chúng tôi thấy công trình nói trên đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Ông Chử Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, thừa nhận địa phương chưa quyết liệt trong xử lý công trình vi phạm. Mới đây, xã đã kiểm điểm vấn đề này. UBND huyện Thanh Trì cũng đã phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với ông Nguyễn Tùng Lâm… Dự kiến, ngày 7-3, xã sẽ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.

Ngoài việc chậm xử lý, một số xã trên địa bàn huyện Thanh Trì còn chưa quyết liệt trong việc bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Thống kê của Hạt Quản lý đê số 3, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Thanh Trì phát sinh 9 vụ vi phạm pháp luật đê điều nhưng đến nay các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đặc biệt, huyện Ứng Hòa, từ năm 2010 đến nay, liên tục dẫn đầu danh sách các địa phương về số vụ vi phạm pháp luật đê điều. Riêng năm 2016, huyện Ứng Hòa xảy ra 75 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 5 vụ. Trong khi tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… xảy ra tình trạng đổ đất, phế thải, lấn chiếm hành lang thoát lũ phía bờ hữu sông Hồng với khối lượng lớn nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Đề xuất sửa đổi các quy định

Mặc dù UBND thành phố đã ban hành 30 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 68 văn bản, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão ban hành 108 văn bản… yêu cầu, đề nghị, đôn đốc nhưng đến nay, các quận, huyện, thị xã mới xử lý được 16 vụ, tồn đọng 217 vụ vi phạm pháp luật đê điều.

Thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 233 vụ vi phạm Luật Đê điều. Hình thức vi phạm chủ yếu là xây nhà cấp 4, móng, công trình phụ, xây tường chắn, cổng, trụ cột, lều lán, đổ đất, phế thải xây dựng vào hành lang thoát lũ...


Lý giải việc để phát sinh vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 3 Phạm Hùng Lân cho biết, tất cả các trường hợp vi phạm, Hạt đã lập biên bản, gửi công văn nhưng chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Văn Hải cũng đưa ra lý do tương tự: Địa phương đã lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công nhưng gia đình lợi dụng ngày nghỉ để tiếp tục hành vi vi phạm. Hơn nữa, xã Vạn Phúc có 2/3 khu dân cư nằm trong vùng thoát lũ, do bức xúc về nhà ở, việc xin cấp phép phải tuân thủ nhiều quy định nên người dân “làm liều”!

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão, nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm pháp luật đê điều là do Hà Nội có hơn 626km đê đi qua địa bàn 26/30 quận, huyện, thị xã, với 224 xã, phường, thị trấn nằm ven đê. Bên cạnh đó, 11 xã có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông, trong hành lang thoát lũ nhưng chưa tổ chức di dời… Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm việc ngăn chặn, xử lý vi phạm. Thậm chí có nơi còn ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Hơn 10 năm thực hiện Luật Đê điều và một số văn bản dưới luật, thực tế đã bộc lộ những bất cập. Ví dụ, Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 còn có những quy định chưa cụ thể về hành vi vi phạm, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn cho người xử phạt; mức phạt thấp, chưa bảo đảm tính răn đe… Để khắc phục những hạn chế trên, Sở NN&PTNT đang đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đê điều và các nghị định liên quan.

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội, ngày 16-2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Bộ đang lấy ý kiến của các địa phương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, sử dụng đất bãi ven sông… bảo đảm rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với chính quyền cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hạn chế xâm hại đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.