Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất

Đình Hiệp| 24/10/2015 08:43

Vài tuần trở lại đây, các vụ xung đột giữa lực lượng của Israel với người Palestine đã khiến bầu không khí căng thẳng tại khu vực tăng nhiệt. 47 người Palestine thiệt mạng, 7 người Israel bị chết, hơn 5.000 người Palestine và khoảng 70 người Israel bị thương.

Lính Israel thực hiện nhiều biện pháp mạnh chống lại người Palestine.


Sự gia tăng các vụ đàn áp người Palestine của Israel cũng như những vụ tấn công đáp trả của người Palestine đã thúc giục cộng đồng quốc tế đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao con thoi.

Một trong những nỗ lực phải kể đến là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại thủ đô Berlin (Đức). Cuộc gặp diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp với người đồng cấp Israel nhằm kêu gọi các bên nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định: "Dù chưa đạt được gì ngay ngày hôm nay nhưng việc chấm dứt mọi hành động kích động, khiêu khích lẫn nhau là rất quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực và tìm giải pháp cho việc thiết lập tiến trình hòa bình với phạm vi rộng lớn hơn". Ngoại trưởng John Kerry còn điện đàm với Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để thảo luận các biện pháp giảm căng thẳng tại Trung Đông.

Chia sẻ quan điểm trên với Ngoại trưởng John Kerry, Thủ tướng Angela Merkel, trong cuộc gặp với người đồng cấp B.Netanyahu, cũng thẳng thắn cho rằng chính sách xây nhà định cư của Israel ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây là phản tác dụng đối với tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đang bị đình trệ. Bà A.Merkel chỉ ra rằng lối thoát duy nhất và cũng tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Israel và Palestine là giải pháp hai nhà nước. Vì thế, Đức cũng như Liên minh Châu Âu (EU) luôn bác bỏ mọi hành động đơn phương và sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cho các cuộc đàm phán giữa hai bên nhằm tiến tới mục tiêu này.

Các vụ đụng độ giữa người Palestine và lực lượng Israel liên tiếp nổ ra từ giữa tháng 9 vừa qua. Xung đột khởi phát từ khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem - địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với người Hồi giáo - đã nhanh chóng lan sang những khu vực khác ở Bờ Tây, biên giới với Dải Gaza, thậm chí các thành phố lớn của Israel. Việc chính quyền Israel triển khai nhiều biện pháp mạnh tay, từ trấn áp, bắt giữ hành chính, phong tỏa cho tới nới lỏng việc cho phép cảnh sát sử dụng đạn thật, không những không làm giảm bớt các hành động phản kháng của người Palestine mà còn làm bùng lên phản ứng của một dân tộc đã phải sống dưới sự kiểm soát, chiếm đóng của Israel từ quá lâu.

Theo thỏa thuận hòa bình ký năm 1994 giữa Jordan và Israel, người Do Thái được thăm đền Al-Aqsa, nơi Tel Aviv đã chiếm giữ trong cuộc chiến tranh 6 ngày diễn ra năm 1967, song chỉ được cầu nguyện dưới chân núi khu vực mà Israel gọi là Núi Đền. Thế nhưng, việc Israel thực hiện nhiều biện pháp hạn chế người Hồi giáo nhằm tạo điều kiện cho khách Do Thái thăm đền được xem là đã chạm tới giới hạn đỏ về đức tin đối với người Palestine cũng như người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Căng thẳng giữa Israel và Palestine đã trở thành tâm điểm của thế giới khi sáng 23-10, Hội đồng Bảo an LHQ phải tổ chức cuộc họp khẩn nhằm lên án các vụ tấn công gần đây, đồng thời kêu gọi các bên có bước đi cần thiết chấm dứt bạo lực leo thang. Phó Tổng thư ký LHQ Jan Eliasson nhấn mạnh, cách hành xử "hà khắc và ngột ngạt" của Israel đối với người Palestine trong gần nửa thế kỷ qua là nguyên nhân dẫn đến làn sóng xung đột đang ngày càng gia tăng tại các vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng. Việc xây dựng, mở rộng các khu định cư Do Thái ở các vùng lãnh thổ của người Palestine trái pháp luật, những hành động thù hận, mang tính chất khủng bố và phân biệt chủng tộc của người Israel sống trong các khu định cư đối với người Palestine đang chôn vùi mọi nỗ lực hòa bình. Ông Eliasson cũng cho rằng không có lời giải thích nào cho hành động bạo lực, sát hại dân thường Palestine vô tội của Israel.

Đã trở thành một hồ sơ bị quá hạn từ rất lâu, cuộc xung đột Israel - Palestine một lần nữa phát đi những tín hiệu nguy hiểm đến hòa bình và an ninh tại khu vực. Vẫn biết rằng con đường chính trị là cần thiết và chính quyền của Tổng thống Palestine M.Abbas khẳng định vẫn sẽ theo đuổi giải pháp này. Nhưng nếu như vẫn tồn tại thực trạng mà Ngoại trưởng Palestine Riad Malki trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ cho rằng lực lượng chiếm đóng Israel dựa vào vũ lực, vi phạm các cam kết nhằm nô dịch hóa cả một dân tộc trong "bất công và sự nhục nhã" thì đàm phán chỉ mãi mãi là một khẩu hiệu và không mang lại một kết quả thực chất nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.