Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt

Lê Hương| 02/11/2011 06:01

(HNM) - Ngày 1-11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo


Khó khăn nhiều hơn thuận lợi

Tính đến ngày 30-6-2011, TP Hà Nội có 117.740 DN ngoài khu vực nhà nước đã được cấp phép hoạt động, trong đó có 114.960 doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Năm 2010, tổng doanh thu của các DN đạt trên 631.000 tỷ đồng, nộp thuế hơn 22.700 tỷ đồng (chiếm 34,4% tổng số tiền thuế nộp ngân sách của TP). Các DN đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô.

Thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DNTN, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài", Thành ủy Hà Nội đã tích cực chỉ đạo việc thành lập tổ chức Đảng (TCĐ), tổ chức công đoàn (TCCĐ), đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong DN khu vực này. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong đợi. Tính đến ngày 30-6-2011, trong các DN ngoài nhà nước mới thành lập được 633 TCĐ với gần 19.000 đảng viên; 2.301 Công đoàn cơ sở (CĐCS), hơn 200.000 đoàn viên; 653 cơ sở Đoàn, Hội liên hiệp thanh niên và 132 tổ chức Hội phụ nữ. Một con số khiêm tốn so với sự tăng nhanh của các DN ngoài khu vực nhà nước.

Không chỉ vậy, ở những DN đã có TCĐ, hoạt động của cấp ủy rất khó khăn. Việc phân công công tác, quản lý đảng viên còn nhiều bất cập; công tác phát triển đảng viên rất hạn chế. Khó khăn thể hiện rõ nhất trong TCĐ thuộc DN có vốn nhà nước dưới 50%, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cấp ủy ở đây gặp lúng túng trong tổ chức và phương thức lãnh đạo; vai trò của TCĐ không rõ nét, nhất là trong công tác cán bộ và lãnh đạo nhiệm vụ SXKD. Sinh hoạt cấp ủy, chi bộ không đều, chưa quan tâm lãnh đạo các tổ chức đoàn thể…

Sớm thống nhất mô hình, tổ chức


Đã có 55 bài tham luận tại hội thảo và gửi đến ban tổ chức khẳng định, nguyên nhân chính khiến công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước còn hạn chế, do nhận thức của cả cấp ủy, chính quyền các cấp và chủ DN chưa đúng, chưa trúng. Cấp ủy, chính quyền chưa đánh giá cao vai trò của các DN ngoài nhà nước, vì vậy chưa quan tâm thấu đáo đến hoạt động của DN này. Trong khi đó, hầu hết chủ DN chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai về lợi ích mà TCĐ, các đoàn thể sẽ mang lại cho DN nên không ủng hộ, gây khó khăn cho TCĐ, đoàn thể. Ngoài yếu tố nhận thức, mô hình TCĐ chưa đồng bộ, thống nhất cũng là nguyên nhân TCĐ, đoàn thể chưa phát huy vai trò. TP Hà Nội hiện đang áp dụng 5 mô hình tổ chức: Một là trực thuộc đảng bộ xã, phường thị trấn; hai là thuộc Đảng bộ cơ sở khối DN trực thuộc quận, huyện, thị ủy; ba là thuộc các quận, huyện, thị ủy; bốn là trực thuộc các đảng bộ khối; năm là trực thuộc các đảng bộ tổng công ty. Các đại biểu cho rằng, quá nhiều mô hình TCĐ nảy sinh nhiều bất cập. Sắp xếp theo hướng gọn lại để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các TCĐ trong DN ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả là vấn đề mà Thành ủy Hà Nội cần làm trong thời gian tới.

Ngoài ra, qua khảo sát tại 26 quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và một số DN ngoài nhà nước, Ban chỉ đạo TP nhận thấy, TƯ và TP chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể về thành lập, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên và hướng dẫn của TCĐ, đoàn thể trong DN. Từ năm 2000 đến nay, TƯ mới ban hành một hướng dẫn về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở Đảng; Thành ủy ban hành ba văn bản hướng dẫn.

Đồng tình với đánh giá và đề xuất của các đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng, để tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các DN ngoài nhà nước cần phải làm cho các TCĐ đồng hành cùng DN, ngược lại các DN phải hiểu TCĐ ra đời không làm phương hại mà là chỗ dựa cho DN, đồng cam cộng khổ với DN. Mặt khác, các cấp ủy Đảng phải thành lập ban chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm cũng đề nghị TP Hà Nội phải xây dựng mô hình, tổ chức cho hợp lý để chỉ đạo phát triển tốt TCĐ, đoàn thể trong DN ngoài nhà nước, trong đó phải coi trọng đặc thù từng nơi để xây dựng mô hình cho phù hợp.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến khẳng định, hội thảo đã thống nhất cao trong nhận định, đánh giá về sự phát triển cùng những đóng góp quan trọng của các DN khu vực ngoài nhà nước đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Các tham luận đã nêu nhiều căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn để từ đó chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp đóng góp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể TP trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, giúp cho Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, củng cố TCĐ, đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP.

Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến:Khẩn trương triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm
- Tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước là một trong những nhiệm vụ vừa trọng tâm, vừa thường xuyên trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể nhân dân ở
cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và chủ DN về xây dựng,
phát triển tổ chức Đảng (TCĐ), đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của TCĐ.
- Xây dựng và hoàn thiện mô hình TCĐ, các đoàn thể nhân dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước.
- Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và làm tốt công tác kết nạp đảng viên.
- Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước.
- Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực
nhà nước.
- Nghiên cứu, bổ sung biên chế cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể cho các cấp ủy Đảng, công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ cấp quận, huyện, thị để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước.
- Căn cứ Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị, Kết luận 80 của Ban Bí thư; căn cứ vào Chương trình 01 của Thành ủy, các Ban xây dựng Đảng Thành ủy, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm cụ thể hóa những nhiệm vụ, các giải pháp thành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.



Những giải pháp cần và đủ
(HNM) - Chưa đầy 1% doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước của TP Hà Nội thành lập tổ chức Đảng (TCĐ) và Đoàn thanh niên. Một tổ chức được xem có nhiều lợi thế là công đoàn cũng mới có ở hơn 2.300 DN. Trước một lực lượng lao động rất lớn đang lao động làm việc ở khu vực này, làm sao để các tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể chính trị hoạt động có hiệu quả?

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi: Tăng trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền hơn nữa


Để khắc phục những hạn chế, trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tạo chuyển biến về nhận thức đối với việc phát triển các thành phần kinh tế, bảo đảm cho các DN khu vực ngoài nhà nước phát triển lành mạnh, đúng hướng, đóng góp tích cực cho Thủ đô. Điều quan trọng nữa là cấp ủy, chính quyền phải quản lý được hoạt động của DN. Không biết DN hoạt động ra sao thì việc thực hiện quản lý nhà nước đã khó chứ chưa nói đến phát triển TCĐ, đoàn thể.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Lê Thanh Đà: Sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động

Theo nhận định của Liên đoàn Lao động TP, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ hết sức khó khăn trong thời điểm hiện nay. Cán bộ CĐCS hầu hết là kiêm nhiệm, chưa mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động… Để cải thiện tình hình, ngoài sự vào cuộc của Liên đoàn Lao động các cấp, Quốc hội nên sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, trong đó khẳng định địa vị pháp lý của TCCĐ là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Bí thư Đảng ủy khối DN Hà Nội Nguyễn Việt Xô: Số lượng đi đôi với chất lượng


Vượt qua những khó khăn chung của các cấp ủy, chính quyền, Đảng ủy khối Doanh nghiệp chúng tôi đã có những biện pháp để tháo gỡ vướng mắc trong phát triển TCĐ, đoàn thể ở DN ngoài nhà nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Trong hai năm kể từ khi thành lập, Đảng ủy khối đã thành lập mới được 27 chi, đảng bộ tại các DNTN. Chúng tôi coi phát triển TCĐ là nhiệm vụ quan trọng, tạo mọi điều kiện cho DN thành lập TCĐ, đoàn thể. Coi trọng số lượng và chất lượng, không khắt khe về thủ tục nhưng cũng không dễ dãi với các DN coi việc thành lập TCĐ, đoàn thể là một hình thức tạo dựng "thương hiệu" cho mình.

Bí thư Đảng bộ Tập đoàn Bitexco Trần Thị Thắm: Kêu gọi sự ủng hộ của chủ doanh nghiệp

Một trong những bí quyết làm nên thành công của tập đoàn chúng tôi thời gian qua là TCĐ, đoàn thể luôn đồng hành cùng DN. Hầu hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên đều do đảng viên đảm nhận. Qua thực tiễn hoạt động, chúng tôi thấy, vai trò của TCĐ và các đoàn thể trong DNTN rất quan trọng, song chỉ có thể phát huy được khi chủ DN thấy thực sự cần thiết, tôn trọng và phối kết hợp tốt với TCĐ và các đoàn thể để xây dựng và phát triển DN.

Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh Ngô Văn Phúc: Mạnh dạn kết nạp chủ DNTN vào Đảng

Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá DN, doanh nhân cần được đổi mới, có thêm các chỉ số kinh tế, trách nhiệm xã hội, hoạt động của các TCĐ và đoàn thể, thay vì mỗi việc đề ra chỉ tiêu nộp thuế như hiện nay. Đối với chủ DNTN, kết nạp họ vào Đảng là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho cả DN và Nhà nước. Khi các chủ DN nhận thức được vấn đề thì họ sẽ là lực lượng nòng cốt và tích cực xây dựng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đoàn thể trong DN. Chủ DN sẽ là người chủ động quyết định chiến lược phát triển DN theo đúng pháp luật, thực hiện đầy đủ trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Lê Hoàn ghi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.