Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp chưa có tiền lệ trong phòng, chống dịch

Lý Thị Mai - Hà Phong| 15/08/2021 06:54

(HNM) - Trong hơn một năm rưỡi chống dịch Covid-19, nhiều biện pháp chưa có tiền lệ, có những vấn đề lớn đặt ra trong xây dựng, áp dụng pháp luật được thực hiện nhằm kiểm soát tình hình. Trong đó, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV được triển khai bằng quy trình lập pháp đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ…

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Hiến định và luật định, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, đã thực hiện một số giải pháp cần thiết để phòng, chống dịch, được thế giới và nhân dân trong nước đánh giá cao. Thành công này có được do 3 yếu tố: Dịch bệnh xuất hiện ở quy mô nhỏ, vi rút SARS-CoV-2 giai đoạn đầu lây lan chậm hơn; hệ thống chính trị vững mạnh, tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhân dân đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, yếu tố thứ nhất đã có sự thay đổi với mức độ phức tạp, lây lan nhanh, số người mắc Covid-19 và số ca tử vong tăng... Trong khi đó, pháp luật về phòng, chống dịch có khá nhiều nội dung thiếu thống nhất, mâu thuẫn với nhau. Ngay trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 cũng có những nội dung không rõ ràng, trùng lặp giữa chống dịch thông thường với tình trạng khẩn cấp. Ví dụ như các quy định về việc hạn chế di chuyển của người và phương tiện giao thông ra - vào vùng có dịch; “hạn chế tập trung đông người” và “cấm tập trung đông người” không có sự khác biệt lớn về mặt nội hàm, tương đương với nhau về hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng cần có thay đổi nhất định để đáp ứng tình hình thực tế. Việc Chính phủ đã sớm xây dựng và trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến (tại Văn bản số 1067/TTg-KGVX ngày 5-8-2021) là rất phù hợp. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc’’, ngay cuối giờ chiều 6-8-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp khẩn để cho ý kiến và đã thống nhất ban hành nghị quyết về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, sẽ có một số quy định khác với quy định của các luật hiện hành gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/ 2019/UBTVQH14 sẽ được áp dụng. Các quy định này gồm: Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19, đồng thời là giấy phép hoạt động. Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.

Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đây là cơ sở quan trọng để ngày 6-8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/2021/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó áp dụng một số nội dung khác với quy định của luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng, muốn thực hiện 3 nhiệm vụ có tính chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì và phát triển kinh tế thì việc trao cho Chính phủ một số cơ chế đặc thù, khác với một số quy định của luật như: Luật Đấu thầu, Luật Dược, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… là rất cần thiết, kịp thời, sẽ tháo gỡ những nút thắt lớn, giúp Chính phủ có thêm “vũ khí” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp chưa có tiền lệ trong phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.