Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giai phẩm về Hà Nội

Bùi Việt Thắng| 13/08/2021 17:05

(HNMCT) - “Một đêm mưa trong thành phố” (“A rainy night in the city”) là truyện ngắn chọn lọc dạng song ngữ Việt - Anh do hai tác giả/dịch giả đồng chủ biên: Nhà văn Hồ Anh Thái và nhà văn Mỹ Paul Christiansen, do NXB Hà Nội ấn hành.

Những người tuyển chọn và chuyển ngữ “Một đêm mưa trong thành phố” quả tình có con mắt xanh “anh hùng đoán giữa trần ai mới tài”. Mười bốn tác giả là 14 cây bút truyện ngắn quen thuộc với người đọc từ lâu. Mười bốn giai phẩm được chọn, truyện nào cũng gọn ghẽ, mỗi truyện chưa đến 10 trang, phù hợp với cơ chế của văn hóa đọc. Quan điểm của phía làm sách rất rõ ràng: “Cố gắng lựa chọn những truyện ngắn tái hiện được không khí và cảnh sắc của một thành phố nghìn năm tuổi. Đồng thời những truyện ngắn này hợp lại cũng thể hiện được tư tưởng và tình cảm của người Hà Nội và các vùng đất nước trải qua nhiều thập kỷ biến động của chiến tranh, của thời tái thiết và trong khung cảnh hòa bình hội nhập. Đó vừa là hướng tới tương lai vừa đồng thời lưu tâm đến quá khứ”.

Người đọc muốn tiếp nhận phong vị Hà Nội truyền thống thì không thể không đọc “Tình buồn” của Tô Hoài, “Đèn không tắt sáng” của Ma Văn Kháng. Đó là những câu chuyện đời người được chuyên chở bằng một lối văn điềm tĩnh, thanh tao và đạt tới cái đẹp của ngôn từ. Người đọc muốn biết cái huyên náo, sục sôi của Hà Nội thời mở cửa thì đọc “Mèo trong thành phố lạ” của Tô Hải Vân, “Cơn mưa cuối mùa” của Lê Minh Khuê, “Sau chớp là bão giông” của Y Ban, “Thang dây” của Nguyễn Thị Thu Huệ. Mỗi mảnh đời, mỗi cảnh ngộ, tâm trạng, tình huống dù được tái hiện từ góc độ nào cũng chất chứa đầy tính chất “hiện sinh”, cuộc đời như nó vốn có hiện lên qua con chữ với tinh thần viết là “nhúng bút vào sự thật” của nhà văn.

Nhưng bộ sưu tập giai phẩm về Hà Nội không chỉ khuôn vào một vùng đất dẫu là “địa linh nhân kiệt”, “hội tụ hào khí” của chốn kinh kỳ, người đọc còn được mãn nhãn khi tiếp nhận một không gian - thời gian sống rộng lớn hơn của con người thời đại bởi sự góp mặt của những tác phẩm mở rộng biên độ phản ánh đời sống trong đó xuất hiện nhiều giai tầng xã hội, nhiều trải nghiệm thú vị như “Chuyện tình kể trong đêm mưa” của Nguyễn Huy Thiệp, “Lúa hát” của Võ Thị Xuân Hà, “Vốc nước trong lòng bàn tay” của Hồ Anh Thái, “Thương” của Phan Thị Vàng Anh...

Mỗi nhà văn tài năng đều đem đến cho người đọc một cách cảm nhận đời sống thông qua phong cách, bút pháp, giọng điệu riêng. “Một đêm mưa trong thành phố”, như lời các tác giả làm sách, còn có một mục tiêu khác là: “Có thể tiếp cận người đọc ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Vì vậy, đây vừa là một phần giới thiệu về nền văn chương phong phú của đất nước cho người ngoài cuộc vừa là bộ sưu tập một số tác giả quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất đã tạo dựng nên văn chương Việt Nam hiện đại”. Cách làm sách công phu và thông minh kiểu này chính là con đường giao lưu văn hóa bằng văn chương, tạo cơ hội làm phát lộ bản sắc văn hóa dân tộc qua nghệ thuật ngôn từ vốn được xem là phần quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giai phẩm về Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.