(HNM) - Hà Nội hiện có hơn 100 trường ở các cấp học phát triển theo mô hình dịch vụ chất lượng cao (CLC). Song, chỉ có 19 trường trong số này được TP phê duyệt (theo chương trình 07-TU của Thành ủy), còn lại đều "tự phong" CLC, thu học phí với giá "trên trời" mà chất lượng giáo dục thì chưa thể kiểm đếm. Vậy thế nào gọi là trường CLC và việc "đóng dấu" các trường CLC ra sao để bảo đảm quyền lợi cho người học đang là bài toán bức thiết với các cấp quản lý.
Các trường chất lượng cao được nhiều người lựa chọn nhờ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất. Ảnh: Linh Tâm |
"Lượng hóa" các tiêu chuẩn
Theo kế hoạch, trong tháng 8-2012, ngành GD-ĐT Hà Nội phải hoàn thiện dự thảo quy định tạm thời về tiêu chuẩn, quy trình công nhận trường CLC giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, ngay ở cấp Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này cũng chưa có một văn bản nào đề cập đến quy định thế nào là trường CLC. Vì vậy, để văn bản có tính pháp lý, làm căn cứ cho việc triển khai và quản lý ở cơ sở, việc ban hành cần trải qua những thủ tục cần thiết. Thực tế, để mô hình này phát triển đúng hướng, cần có những định hướng phù hợp từ phía nhà quản lý, trong đó mục tiêu thống nhất về nhận thức trường CLC (ở cả trong và ngoài ngành GD-ĐT) và bảo đảm công bằng xã hội là yếu tố có tính chất nền tảng. Quá trình triển khai cho thấy việc "giải mã" khái niệm này không đơn giản.
Sau nhiều lần hội thảo, xin ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, nhà giáo… dự thảo mới nhất của ngành giáo dục đào tạo đã xác định rõ hơn về khái niệm CLC. Theo đó, trường CLC sẽ phải đạt ở mức độ cao hơn so với các yêu cầu về mục tiêu giáo dục được quy định tại Luật Giáo dục và cao hơn các quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD-ĐT.
Căn cứ để xác định trường CLC là 5 tiêu chuẩn: tổ chức; đội ngũ; cơ sở vật chất; quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; kết quả giáo dục. Điểm mới của dự thảo lần này là các tiêu chuẩn, tiêu chí đều được "lượng hóa" với tổng điểm là 100. Tùy theo đặc thù cấp học, tầm quan trọng của từng tiêu chí có khác nhau, thể hiện ở số điểm được lượng hóa. Cấp mầm non đề cao chất lượng của đội ngũ (30/100 điểm), cấp học phổ thông chú ý nhiều hơn đến nội dung chương trình và kết quả giáo dục (40-45 điểm). Nhiều tiêu chí được quy định cụ thể, như trường mầm non phải có 100% giáo viên xếp loại khá trở lên theo quy định chuẩn nghề nghiệp, sĩ số của trường trung học không quá 35 HS/lớp, không có HS bỏ học và lưu ban, 100% HS đỗ tốt nghiệp THPT... Tuy nhiên, có những tiêu chí khó đong đếm, như bảo đảm an toàn cho HS và cán bộ, giáo viên; phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp hiệu quả giữa nhà trường với ban đại diện cha mẹ HS... Lại có những tiêu chí hơi thừa, bởi những trường đại trà cũng đã phải có như: môi trường học tập an toàn, thân thiện; có hội trường, phòng truyền thống, phòng máy tính; có cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định...
Học sinh Trường Hà Nội - Academy đọc sách tại thư viện. Ảnh: Huyền Linh |
Vừa làm vừa hoàn thiện
Khảo sát của ngành GD-ĐT cho thấy, từ nay tới năm 2015, nhu cầu về các trường CLC ở Hà Nội sẽ tăng nhanh so với những yêu cầu ngày càng cao và toàn diện về chất lượng giáo dục, đa dạng về phương thức giáo dục. Vì vậy, lãnh đạo ngành GD-ĐT cho rằng, việc triển khai đề án về xây dựng, phát triển trường CLC giai đoạn tới là cấp thiết, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tế.
Tờ trình về việc triển khai đề án cùng với bộ tiêu chuẩn đã được Sở GD-ĐT gửi lãnh đạo UBND TP chờ phê duyệt. Yêu cầu đặt ra với các cấp quản lý ngành là không thể chần chừ, phải làm ngay để theo kịp những đòi hỏi của thực tế. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2012-2013, Hà Nội thí điểm mô hình CLC ở khoảng 50-55 trường để rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần bộ tiêu chuẩn trường CLC và quy trình kiểm định, công nhận. Khoảng 30-35 trường tốt nhất sẽ được chọn để tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2014-2015. Mạng lưới mô hình trường CLC của từng cấp học trên các địa bàn sẽ được công bố rộng rãi để người dân biết, lựa chọn và có cơ hội cùng tham gia giám sát về các điều kiện dạy - học và chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Vấn đề đặt ra là quy trình kiểm định CLC thế nào và ai sẽ là người "đóng dấu" CLC để bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan? Theo dự kiến, quy trình kiểm định trường CLC của Hà Nội sẽ gồm 5 bước cơ bản, bắt đầu bằng việc các trường tự đánh giá và sau cùng là đánh giá ngoài để công nhận. Đánh giá ngoài được coi là khâu quan trọng nhằm bảo đảm thực chất của việc thẩm định, vì vậy, cơ cấu của hội đồng thẩm định ra sao được nhiều người quan tâm. Theo dự kiến của Sở GD-ĐT, đoàn đánh giá ngoài sẽ gồm 5-7 thành viên là cán bộ quản lý các nhà trường, do giám đốc Sở quyết định thành lập. Để bảo đảm tính khách quan, các thành viên đoàn đánh giá ngoài các điều kiện phải có tư cách đạo đức tốt; trước đây và hiện tại không làm việc tại cơ sở giáo dục được đánh giá; có ít nhất 5 năm công tác trong ngành còn phải hoàn thành chương trình đào tạo, tập huấn về đánh giá ngoài của Bộ. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng để đo lường chính xác độ cao, thấp của các tiêu chí đạt được và xác định trường có đúng đạt tiêu chuẩn CLC hay không cần sự tham gia của các tổ chức kiểm định độc lập. Điều này sẽ hạn chế được những yếu tố chủ quan hoặc tiêu cực có thể xảy ra.
- Bộ GD-ĐT chỉ đạo, mức độ cao đạt được ở mỗi trường CLC không nhất thiết phải như nhau, tùy điều kiện ở mỗi trường, điều kiện kinh tế - xã hội mỗi khu vực dân cư và đáp ứng yêu cầu phân luồng đối tượng nhưng nhất thiết phải định lượng được từng mức độ cao tương ứng với mức học phí. - Theo dự thảo quy định về đánh giá trường CLC của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn CLC theo 3 cấp độ: + Cấp độ 1: từ 60 đến dưới 70 điểm + Cấp độ 2: từ 70 đến dưới 85 điểm + Cấp độ 3: từ 85 điểm trở lên |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.