(HNM) - Trong những bản tin thời tiết, cùng với Mẫu Sơn, Ô Quý Hồ và Mộc Châu, Sìn Hồ luôn được biết đến là một trong những nơi có nhiệt độ thấp nhất của Việt Nam trong đợt rét kéo dài vừa qua.
Trao số tiền ủng hộ 200 triệu đồng cho đại diện tỉnh Lai Châu. |
Những nghịch lý khó tin
Để tìm hiểu nghịch lý này, nhóm PV Báo Hànộimới đã không quản thời tiết khắc nghiệt, sương mù giá rét vượt qua những cung đường hiểm trở đang xây dựng dở dang lên tới Sìn Hồ… Chiếc xe con 4 chỗ vật lộn mất gần 4h đồng hồ vượt hết quãng đường chỉ 65 cây số từ Lai Châu lên Sìn Hồ. Đó là nguyên nhân khiến chúng tôi lỗi hẹn mất mấy tiếng với Phó Chủ tịch huyện Đồng Văn Liệt, theo kế hoạch sẽ đón đoàn từ ngã ba Seo Lèng.
Chiều xuống, thị xã vùng cao chênh vênh. Mây mù luồn qua những khe núi ùa xuống từng nóc nhà báo hiệu một buổi tối lạnh khắc nghiệt. Trao đổi câu chuyện trong chớp nhoáng, anh Liệt đã bố trí cán bộ đưa chúng tôi đi ngay đến bản Hải Hồ, xã Tả Ngảo và bản Meo Sao Phìn, xã Xà Dề Phìn, nơi có những nghịch lý xung quanh hiện tượng trâu bò chết nhiều.
Anh cán bộ nông nghiệp huyện Nguyễn Kim Phi, quê gốc Thái Bình, trên suốt quãng đường đưa chúng tôi xuống bản kể chuyện như trút bầu tâm sự với mấy người ở tận Thủ đô lên. Anh nói: "Năm nào cũng như năm nào, 26 cán bộ phòng nông nghiệp liên tục xuống bản tuyên truyền, nhắc nhở bà con thu gom trâu bò, không thả rông vào mùa đông để tránh trâu bò chết rét nhưng vẫn chả ăn thua". Anh Phi cũng vừa kết thúc chuyến công tác dài ngày ở bản Nậm Mã Thén, Nậm Mã Dạo trên dãy Pu Sam Cáp cao tít hút. Mặc cho chiếc xe gầm thấp xóc còng cọc, thậm chí có những đoạn cả mấy người phải xuống xe để giảm tải và làm cọc tiêu cho xe vượt qua đoạn đường lầy lội, câu chuyện vẫn không bị ngắt quãng. Phi lý giải, cả một dãy núi rộng hàng chục ngày đường đi bộ như thế mà bà con người Mông, người Dao vẫn giữ tập quán thả rông trâu bò, hằng tuần mới đi thu gom một lần về thì bảo sao khi giá rét trâu không được chăm sóc đúng cách, chân cứ cứng đơ ra không đi được rồi nằm vật xuống tắt thở. Ở Sìn Hồ có trường hợp cán bộ thôn bản dù được dự nhiều lớp tập huấn về chăm sóc trâu bò trong những ngày rét vẫn để cái "đầu cơ nghiệp" lăn ra chết hàng loạt. Có cán bộ, suốt nửa tháng rét đậm vẫn nằm co ro trong nhà, đợi trời hửng lên mới dám vào rừng tìm trâu. Đến khi tìm thấy thì trâu chỉ còn bộ da, cặp sừng và bộ lòng bị bỏ lại bên suối…
Điển hình là Trưởng trạm Y tế xã Tà Ngảo, ông Mùa A Sử. Nhà ông Sử nằm ngay đầu bản Hải Hồ còn đang tập trung đầy gỗ trong sân để chuẩn bị cất thêm một trái nhà. Có gỗ làm nhà đấy, nhưng ông Sử cũng chả nghĩ làm chuồng trâu nên khi trận rét mới ùa về, đàn trâu 5 con của nhà ông chết mất 1 trâu mẹ và 2 nghé con. Trâu chết, ông Sử mới cuống lên dựng cột quây bạt, bạt thì được huyện Sìn Hồ hỗ trợ, để cái chuồng con bên rặng nứa cuối vườn bớt lạnh. Làm xong, cái chuồng nom vẫn tạm bợ và chỉ còn 2 con trâu còn lại đang co ro. Vậy mà ông Sử vẫn tự hào là "kịp thời làm gương cho bà con khắc phục hậu quả trận rét".
Để vào thăm chuồng trâu nhà cán bộ xã, phóng viên cũng phải cúi lom khom chụp ảnh. Mái chuồng làm bằng vật liệu dễ cháy, lại nằm sát đất, lửa sưởi cho trâu chỉ dám đốt loe ngoe, vậy mà chủ nhà còn phấn khởi khoe, từ lúc trâu chết, ngày nào cũng thắp lửa sưởi cho số trâu còn lại ngay trong chuồng. Khác hẳn với cán bộ y tế, trưởng bản Sùng A Mùa, mới 26 tuổi, hồ hởi khoe cả đàn trâu 5 con nhà mình đã an toàn vì được lùa về xuống vùng thấp tránh rét kịp thời.
Trường hợp nhà cán bộ khuyến nông Chẻo A San ở bản Ma Sao Phìn, xã Xà Dề Phìn cách Sìn Hồ đúng 10km còn thê thảm hơn. Nhà có 4 trâu 1 nghé giờ chỉ còn có 1 con. Nguyên nhân trâu chết ở nhà cán bộ khuyến nông này còn lãng xẹt hơn của nhà Trưởng trạm Y tế Hải Hồ. Dù liên tục được đi dự rất nhiều lớp phổ biến kiến thức nhà nông trong việc xóa bỏ tập quán chăn thả cũ để về truyền lại cho bà con nhưng Chèo A San chả bao giờ làm gương và áp dụng. Năm 2008 nhà cũng thuộc diện có trâu bò chết, nhưng cũng như nhiều bà con vùng cao Sìn Hồ, vừa nhận tiền hỗ trợ là San lại tìm đến rượu, quên hết cả kiến thức đã học và trách nhiệm tuyên truyền cho bà con. Đáng trách hơn, nhà có ba con trâu chết nhưng lúc chúng tôi vào nhà, con trâu duy nhất còn lại trong nhà cũng vẫn đang thả rông ở tận đâu mà chủ nhà chịu không thể biết. "Chuồng trâu vừa phá đang xây lại đây" - San vừa cười, vừa gãi đầu kể…
Chuồng trâu tạm bợ nhà Trưởng trạm Y tế xã Tà Ngảo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.