(HNMO) - Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Tài chính tổ chức ngày 22-11, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giải đáp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp.
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành thuế - hải quan, hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá: Thời gian qua, ngành Tài chính đã có những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc của cán bộ thuế - hải quan ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chia sẻ, Bộ sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong phần đối thoại, đại diện của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã trả lời hàng chục thắc mắc của doanh nghiệp. Những vấn đề liên quan đến hóa đơn được doanh nghiệp, tổ chức quan tâm nhiều.
Điều này cũng dễ hiểu khi từ 1-7-2022, Tổng cục Thuế chính thức áp dụng triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Tính đến ngày 31-10-2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn.
Đại diện Đài truyền hình Việt Nam hỏi: Đài có 21 đơn vị trực thuộc tại Hà Nội, có mã số thuế đơn vị trực thuộc (mã số thuế 13 số). Hiện tại, 13 đơn vị của của Đài không đăng ký phát hành hóa đơn mà sử dụng hóa đơn mã số thuế của Đài để cấp cho khách hàng, như vậy có được không? Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, việc làm trên là hoàn toàn hợp lệ.
Cũng liên quan đến hóa đơn, đại diện Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội kiến nghị Tổng cục Thuế xây dựng công cụ để nhận biết hóa đơn điện tử của doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ chính sách hay không, bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp gặp phải trường hợp doanh nghiệp chỉ biết hóa đơn của bên bán không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa để phù hợp xu thế phát triển của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam chia sẻ, mỗi tháng doanh nghiệp có khoảng 150 nghìn hóa đơn, liên quan đến cả hệ thống như quản trị sản xuất, bán hàng với các đại lý. Vì vậy, sau khi thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh ngay. Hiện có khoảng 260 nghìn hóa đơn chưa điều chỉnh theo mức thuế mới. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí thời gian. Liên quan đến vấn đề này, ngay tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin trao đổi, hướng dẫn để có giải pháp nhanh nhất.
Cũng tại hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã trả lời đầy đủ thắc mắc của doanh nghiệp về những vấn đề khác như: Doanh nghiệp thành lập quỹ để đầu tư hoạt động khoa học công nghệ, sau 5 năm chưa sử dụng hết 70% số quỹ, phần còn lại có phải thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không?; Quy trình xin miễn giảm thuế với doanh nghiệp bị hỏa hoạn; thuế đất phi nông nghiệp do người cho thuê nộp hay người thuê nộp; biện pháp hậu kiểm với doanh nghiệp nhập khẩu hàng miễn thuế nhưng sử dụng không đúng mục đích...
Dự hội nghị từ đầu đến cuối, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng phòng kế toán tài chính Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu (Công ty Xăng dầu khu vực I - Công ty TNHH một thành viên thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đánh giá, hội nghị có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp bởi nhiều vướng mắc được giải đáp. Nhiều nội dung được cơ quan chức năng trả lời rõ ràng. Bà Phương hy vọng, hội nghị như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa trong thời gian tới bởi trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có nhiều vướng mắc phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.