(HNM) - Trong những năm qua, kết nối cung - cầu nông sản là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Giải
Trung bình mỗi năm, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì do Hội Nông dân huyện làm nòng cốt đã cung ứng cho thị trường hơn 100.000 con gà thương phẩm với sản lượng 270 tấn gà thịt. Sản phẩm chủ yếu được bán cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Nhờ xây dựng thương hiệu, giá bán gà đồi của huyện từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg. Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì cho hay: Nhờ hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, không chỉ gà đồi mà nhiều nông sản của địa phương như rau an toàn, miến dong… đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định và xây dựng được thương hiệu.
Triển khai thực hiện Chương trình "Nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân giai đoạn 2014-2018", Hội Nông dân TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với 12 doanh nghiệp tổ chức 15 hội nghị xúc tiến thương mại làm cầu nối cho hội viên nông dân gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, đồng thời mở 15 phiên giao dịch nông sản, tham gia 401 hội chợ trong và ngoài thành phố. Trong khuôn khổ chương trình đã có gần 6.000 hội viên nông dân được tham gia tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ phát triển bảo hộ nhãn hiệu nông sản thực phẩm và kỹ năng kinh doanh thương mại… Đến nay, đã có 28 sản phẩm do Hội Nông dân các cấp làm chủ sở hữu nhãn hiệu như: Nhãn hiệu làng nghề mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương mỹ), bánh tẻ Phú Nhi (thị xã Sơn Tây), chè sạch Bắc Sơn và rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn)… Ngoài ra, đã có 149 cơ sở hội liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân và xuất khẩu ra nước ngoài với trị giá hàng trăm tỷ đồng, riêng tiêu thụ nông sản khoảng 4 tỷ đồng.
Mới đây, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và sản phẩm làng nghề năm 2017 cho nông dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tại hội chợ, hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm diễn ra khá sôi động. Theo đánh giá, tổng mức tiêu thụ sản phẩm tại hội chợ lần này tăng khoảng 30% so với các lần trước.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn, điệp khúc "được mùa mất giá", sản xuất cung vượt cầu vẫn diễn ra. Do đó, đi đôi với xây dựng thương hiệu, việc kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản cho nông dân cần đẩy mạnh hơn nữa và phải mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Chủ cơ sở sản xuất hộp đựng giấy ăn, đồ trang sức, đũa gỗ… Xuân Lợi, xóm Cầu Gấm, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, chia sẻ: Sản phẩm của đơn vị bảo đảm an toàn cho người sử dụng vì không sử dụng hóa chất, mẫu mã, chủng loại phong phú…, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng để cơ sở tự xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thì vẫn còn khó khăn. Do vậy, không riêng Hội Nông dân thành phố mà các sở, ngành khác cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống chất lượng cao cho nông dân.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, việc kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, hiện vẫn còn ít doanh nghiệp lớn kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia. Các phiên giao dịch, hội chợ quảng bá sản phẩm cho nông dân quy mô tổ chức còn nhỏ; địa điểm không có nên đơn vị tổ chức thường bị động. Do vậy, các cấp, các ngành thành phố cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, bố trí mặt bằng, hỗ trợ kinh phí để tổ chức hội chợ, quảng bá giới thiệu nông sản và sản phẩm làng nghề cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.