Trước thực tế hiện nay quỹ đất nội thành của TP Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các sở, ban, ngành TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt nhằm từng bước bảo đảm diện tích mặt bằng trên mỗi học sinh để chất lượng giáo dục ngày một nâng lên.
Ảnh minh họa: VA |
Áp lực từ những con số
Theo Quy hoạch mạng lưới trường học của TP Hà Nội đã được phê duyệt thì đến năm 2030, Thành phố cần cải tạo và xây mới 1.215 trường học, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 sẽ có 278 trường được xây dựng với tổng kinh phí là 7.900 tỷ đồng (208 trường công lập và 70 trường ngoài công lập). Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu số trường xây mới là 357 với 22.330 tỷ đồng (231 trường công lập và 126 trường ngoài công lập). Giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu xây mới 580 trường học với tổng kinh phí 40.360 tỷ đồng (331 trường công lập và 249 trường ngoài công lập).
Để cải tạo và xây mới 1.215 trường học đến năm 2030 thì Hà Nội cần xấp xỉ 17.940.531m2 đất với tổng kinh phí là 71.395 tỷ đồng (trong đó hơn 29.500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa). Giai đoạn thực hiện từ 2012 đến 2020 cần 12.384.277m2 đất; giai đoạn 2021 đến 2030 cần 5.556.254m2 đất.
Việc cải tạo, xây mới nhiều trường, lớp học ngoài chuyện đáp ứng cho tất cả số học sinh được đi học thì mục tiêu của TP Hà Nội sẽ phải giảm dần áp lực sĩ số từng lớp học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể: Giáo dục tiểu học sẽ giảm sĩ số bình quân từ 35 học sinh/lớp vào năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020; Giáo dục THCS giảm sĩ số bình quân từ 36 học sinh/lớp năm 2010 xuống 30 học sinh/lớp vào năm 2020; Giáo dục THPT giảm sĩ số bình quân từ 45 học sinh/lớp năm 2010 xuống 40 học sinh/lớp vào năm 2020.
Năm 2013, toàn TP Hà Nội xây mới 17 trường các cấp học phục vụ năm học mới với diện tích đất 65.273m2, chi phí hơn 523 tỷ đồng; trong số này có 13 trường mầm non được xây mới với diện tích đất 21.369m2, kinh phí 201,5 tỷ đồng. Trong đó, công lập có 11 trường xây mới với diện tích 18.480m2, kinh phí 181,5 tỷ đồng. Cấp tiểu học có 03 trường, trong đó có 02 trường công lập được xây mới với diện tích 24.757m2 và 01 trường tư thục xây mới với diện tích đất 16.992m2, kinh phí hơn 109 tỷ đồng.
Trong năm nay, toàn TP Hà Nội đã thành lập mới được 29 trường, trong đó có 16 trường công lập và 13 trường tư thục. Cụ thể, thành lập 20 trường mầm non; 5 trường tiểu học; 01 trường THCS tư thục; 02 trường THPT.
Ưu tiên trước nhất quỹ đất để xây trường học
Hiện nay, nhu cầu dành quỹ đất để xây trường học ở TP Hà Nội còn rất lớn. Theo tổng hợp số liệu của 12 quận, huyện thì đến năm 2020 cần xây dựng 150 trường học, trong đó: quận Ba Đình đề xuất xây dựng 12 trường; quận Hoàn Kiếm 11 trường; quận Đống Đa 29 trường; quận Hai Bà Trưng 15 trường; quận Tây Hồ 7 trường; quận Cầu Giấy 20 trường; quận Thanh Xuân 12 trường… Quận Hoàng Mai đề xuất xây mới nhiều nhất với 75 trường; tiếp đến là huyện Mê Linh 47 trường. Ðây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi quỹ đất trong nội thành gần như không còn.
Trước áp lực thiếu quỹ đất xây trường học, hàng loạt quận nội thành kiến nghị thu hồi diện tích đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm Luật Đất đai để xây dựng trường học. Đơn cử, quận Ba Đình đề xuất 6 địa điểm xây trường như: dành một phần diện tích tại Nhà máy in Tiến Bộ để xây dựng trường THCS Điện Biên; dành 3.000m2 đất ở phố Văn Cao, phường Liễu Giai để xây dựng trường mầm non Liễu Giai…
Quận Hoàn Kiếm đề xuất thu hồi 110m2 đất tại số 49 Phan Bội Châu (Nhà khách tỉnh Sơn La thuê đã hết hạn hợp đồng sử dụng) để xây dựng trường mầm non Sao Mai; thu hồi Rạp Long Biên để xây trường tiểu học Hàng Chiếu 1; dành 1.800m2 đất ở số 18 phố Hàng Khoai để xây dựng trường THCS Lê Lợi.
Quận Tây Hồ cũng đề xuất một số khu đất khá rộng như 3.158m2 đất tại số 4 ngõ 108 An Dương, phường Yên Phụ; 2.133m2 đất tại số 17-19 Thụy Khuê đang để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả để mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An.
Quận Hai Bà Trưng cũng đưa ra 13 địa điểm cần thu hồi để xây trường học như khu đất diện tích 2.500m2 tại số 114 Mai Hắc Đế để xây trường tiểu học Bà Triệu; 3.500m2 đất tại 67 Ngô Thì Nhậm để xây dựng THCS Ngô Thì Nhậm; 406m2 đất thu hồi từ giải phóng mặt bằng tại 60 Hàng Chuối để xây trường mầm non; 1000m2 đất thu hồi từ giải phóng mặt bằng tại khu đất 170-176 Lò Đúc để xây trường mẫu giáo Chim Non; thu hồi 3.000m2 đất tại 94 Lò Đúc để xây trường THCS Lê Ngọc Hân.
Ở nhiều khu đô thị mới quận Cầu Giấy cũng ưu tiên dành chục hàng nghìn m2 đất để xây trường học, như: dành 5.400m2 ở ô D13 và 5.300m2 ở ô D7 khu đô thị mới Cầu giấy để xây trường mầm non và trường tiểu học; dành hơn 7.600m2 ở ô TH1 khu đô thị mới Dịch vọng cũng để xây trường tiểu học.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong những năm vừa qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, hàng tháng luôn giao ban về vấn đề thiếu trường, lớp. Đối với những quận, huyện thiếu trường, lớp học, thành phố quyết liệt chỉ đạo xây dựng trường học bằng được. Ưu tiên quỹ đất trước nhất cho trường học; đơn vị, doanh nghiệp, công ty nào không phù hợp với địa bàn thì đều được yêu cầu di dời ra ngoại thành, đền bù tiền, đất cho doanh nghiệp lựa chọn để ưu tiên cho quỹ đất nội thành xây trường, vì ngoại thành hiện nay vẫn đang còn đất.
Những nơi không còn quỹ đất như các quận nội thành “lõi” thì sẽ cho phép nâng tầng, nhưng bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Hạn chế xây dựng các nhà chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học. Bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.