(HNM) - Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND, ngày 31-12-2021, của UBND thành phố về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ có 45 công viên thuộc 10 quận được cải tạo, nâng cấp theo hướng công viên mở, bảo đảm đồng bộ hạ tầng và hiện trạng của công viên với khu vực liền kề. Mặt khác, thành phố cũng tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa các dự án công viên chuyên đề… Dư luận đánh giá, đây là cách làm hay để giải "bài toán" thiếu hụt diện tích vui chơi công cộng và mong muốn các cấp, ngành quan tâm thực hiện nhằm sớm hoàn thành kế hoạch…
Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội:
Cần sự chung tay, nỗ lực từ tất cả các cấp
Toàn thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích và một số công viên, vườn hoa nằm trong các khu đô thị do chủ đầu tư dự án tự quản lý. Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND, đến năm 2025 thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp 45 công viên thuộc địa bàn 10 quận, xây dựng 6 công viên mới và đôn đốc tiến độ triển khai 3 công viên. Riêng với 4 công viên do thành phố quản lý, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức họp liên ngành để triển khai. Điểm mới là tất cả công viên được cải tạo, nâng cấp hay xây mới đều sẽ được mở rộng không gian tối đa. Hiện nay, Sở đang hoàn thiện công tác lập báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ và Công viên Thống Nhất.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra rất cần sự nỗ lực, chung tay từ tất cả các cấp, các ngành. Nhằm tăng không gian công cộng, vui chơi giải trí của người dân, Sở Xây dựng đã tập trung đôn đốc các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng 9 công viên mới; yêu cầu các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm đưa các dự án xây dựng vườn hoa, công viên vào sử dụng để phục vụ người dân theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng:
Khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo không gian lý tưởng cho nhân dân đến vui chơi, giải trí
Quận Thanh Xuân hiện có Công viên Thanh Xuân đã vận hành từ tháng 9-2019 với diện tích khoảng 13,2ha. Trong đó, theo thiết kế, phần diện tích mặt nước là 8ha, giúp điều hòa không khí khu vực, tạo môi trường trong lành, tươi mát, hơn 5ha còn lại dành cho hệ thống vườn hoa, cây xanh với thảm cỏ, cây cảnh, cây thân gỗ, cây đô thị được trồng đồng bộ. Bên cạnh đó là thiết kế đường dạo uốn lượn quanh hồ nước, đài phun nước, quảng trường.
Công viên cũng lắp đặt dụng cụ tập thể dục để nhân dân vào tập thể dục thể thao, hóng mát. Ngoài ra, có nhà thuyền để chèo thuyền, đạp vịt. Điều đáng nói, tường rào xung quanh hồ thấp, cao khoảng 1m nên không bị ngăn cách với bên ngoài, không bị đóng không gian mở, phần nào đạt được tiêu chí cho công viên mở. Ngoài ra, nhân dân vào công viên hoàn toàn miễn phí. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian tới quận tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của công viên, thực hiện đồng bộ Công viên Thanh Xuân theo kế hoạch để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề. Đồng thời, hoàn thiện hơn nữa hệ thống khu vui chơi giải trí, bố trí bãi đỗ xe đồng bộ. Mục đích cuối cùng là khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo cảnh quan môi trường đô thị, tạo không gian lý tưởng cho nhân dân đến vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, đáp ứng đúng tiêu chí là công viên mở mà thành phố đặt ra.
Bà Vũ Thanh Hà, tổ dân phố 6 phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông:
Người dân rất mừng và ủng hộ chủ trương của thành phố
Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt diện tích công cộng như bãi đỗ xe, công viên, vườn hoa… Ngay tại các khu đô thị mới, rất nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm quan tâm đến việc tối ưu hóa mật độ xây dựng mà không hề chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian công cộng cho cư dân. Trong khi, một trong những tiêu chí xây dựng một đô thị văn minh là phải có không gian công cộng và người dân phải được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vui chơi, giải trí. Vì vậy, tôi và nhiều người dân đều vô cùng phấn khởi trước chủ trương cải tạo, nâng cấp đồng bộ và xây mới hàng chục công viên, vườn hoa của UBND thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh “tấc đất tấc vàng”, việc triển khai các dự án xây dựng mới công viên, vườn hoa tại các quận nội thành sẽ gặp không ít khó khăn. Trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến các khâu như giải phóng mặt bằng, điều chỉnh vốn, điều chỉnh quy hoạch… Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa đã được thành phố ban hành. Vì vậy, để các dự án được triển khai đúng tiến độ, rất cần thành phố, Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn với chủ đầu tư dự án. Với những dự án chủ đầu tư cố tình làm chậm tiến độ, xây dựng sai thiết kế… cần kiên quyết thu hồi, giao cho chủ đầu tư khác để làm gương.
Bà Lê Thanh Hoa, ngõ 52 phố Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên:
Mở rộng tối đa không gian công cộng để phục vụ nhân dân
Nhà tôi nằm cách Vườn hoa Ngọc Lâm (tên cũ là Vườn hoa Gia Lâm) chỉ vài trăm mét, nhưng từ nhiều năm nay vợ chồng tôi không dám bước chân vào đây tập thể dục. Lý do là Vườn hoa Ngọc Lâm từ lâu bị xuống cấp trầm trọng. Nằm ở vị trí trung tâm, vườn hoa có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, khuôn viên được bố trí rất nhiều cây xanh trồng lâu năm, tỏa bóng râm mát. Nhưng sau nhiều năm bị khai thác “quá đà” mà không được quan tâm vệ sinh, đầu tư, cải tạo, nhiều hạng mục tại đây đã hỏng hóc nghiêm trọng.
Đầu năm 2023, người dân rất phấn khởi khi UBND quận Long Biên khởi công cải tạo toàn bộ Vườn hoa Ngọc Lâm, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm nay. Tôi rất đồng tình với chủ trương cải tạo, nâng cấp công viên, vườn hoa theo hướng “mở” của thành phố. Đối với những diện tích công cộng, cần mở rộng tối đa không gian để phục vụ nhân dân bằng cách giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và diện tích khoảng không để phục vụ các hoạt động thể thao, vui chơi cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.