(HNMO) - Trước thực trạng và câu hỏi đặt ra như trên, các chuyên gia kinh tế và đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung “mổ xẻ”, phân tích và nêu ra các giải pháp khả thi nhất tại tọa đàm do Hội Truyền thông số Việt Nam kết hợp với Câu lạc bộ Café số tổ chức chiều 9-6 tại Hà Nội.
Mùa khô dự kiến kéo dài, áp lực gia tăng
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, từ các tháng 3, 4 năm 2023 bắt đầu xuất hiện những điểm khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống điện. Tình hình đặc biệt căng thẳng bắt đầu vào cuối tháng 5 với phụ tải sử dụng điện tăng đột biến.
“Tháng 6, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao trong khi hạn hán căng thẳng. Theo thông lệ, hồ Lai Châu, ở vị trí trên cùng dòng sông Đà, trong vòng 100 năm thì có một năm hạn hán với lượng nước về đạt 180m3/s. Tuy nhiên, theo số liệu ghi nhận được mấy ngày gần đây, lưu lượng nước về 130m3/s. Ngoài ra, còn nhiều hồ lớn khác có mực nước bằng hoặc dưới mực nước chết. Hiện, còn duy nhất hồ Hòa Bình giữ được nước, bảo đảm cung cấp điện. Còn tại các nhà máy nhiệt điện, do vận hành kéo dài trong nắng nóng nên nhiều tổ máy phát sinh sự cố, bắt buộc phải giảm công suất, càng gây thiếu hụt điện”, Phó Giám đốc Trung tâm A0 nêu thực trạng.
Hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nhuận nên theo kinh nghiệm dân gian, mùa khô sẽ kéo dài thêm một tháng khiến áp lực cấp điện gia tăng. Dự kiến phải đến tháng 8, áp lực cấp điện mới được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.
“Chúng tôi vẫn cần sự đồng hành của khách hàng trong việc duy trì hệ thống điện miền Bắc ổn định. Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ thiếu hụt 1.920 MW điện nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn, ảnh hưởng rất lớn không chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia”, đại diện Trung tâm A0 kêu gọi.
Đầu tư truyền tải để có thêm 1.000 - 1.500 MW
Tại tọa đàm, từ thực tế các đại biểu phân tích, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3%/năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7%/năm. Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu. Do đó, để giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Bắc, giải pháp truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra nhận được nhiều kỳ vọng.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Liên quan lưới truyền tải Bắc - Nam, chúng ta đã có 2 đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2, và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam.
Tổng sơ đồ điện VIII cũng đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, trước thực trạng cấp thiết về truyền tải điện, EVN đang giao Tổng công ty truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ, ngành thực hiện ngay dự án này. “Nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000 - 1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc”, ông Võ Quang Lâm nêu.
Tình trạng khẩn cấp phải có sự can thiệp của Chính phủ, Quốc hội
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn nhấn mạnh, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo cách đây 2 năm bởi tại khu vực này những năm qua gần như không có nguồn điện mới. Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sau gần 10 năm xây dựng mới được hòa lưới thành công. Các công trình thủy điện lớn thì đều đã hoàn tất xây dựng.
“Nhiều người hỏi tôi tình trạng quá tải như này còn diễn ra lâu không. Tôi không có câu trả lời bởi nếu nước về thì rất là may mắn, còn tiếp tục hạn hán thì quay lại câu chuyện năng lực tài chính của EVN phải ứng phó tình huống này như thế nào. Liệu Chính phủ có thể cho EVN dùng tạm một khoản tiền rồi hoàn lại về sau hay không? Tình trạng khẩn cấp này cần có sự can thiệp lớn nhất của Chính phủ, Quốc hội”, ông Sơn nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nhận định, miền Bắc với tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng theo nhu cầu về điện trong khi không có nguồn nào được bổ sung. Thiếu điện do nguyên nhân nắng nóng và hạn hán là việc của trời nhưng không phải chúng ta không dự báo trước được. Và khi không có nguồn dự phòng, thời điểm này chúng ta buộc phải huy động theo kiểu “giật gấu vá vai” trong khi truyền tải điện dư thừa ở miền Trung và Nam ra gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, nguyên nhân sâu xa hơn nữa cần “mổ xẻ” để khắc phục là phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như hiện nay....
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.