Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giấc mơ hạnh phúc có thật

Dương Linh| 06/07/2018 05:54

(HNM) - Chứng kiến hạnh phúc giản dị của những cặp đôi khuyết tật tại đám cưới tập thể

Những nụ cười rạng rỡ của các cặp đôi khuyết tật trong ngày cưới tập thể.


Nghị lực vượt qua thử thách

Quen nhau từ 7 năm trước, tình yêu của cô dâu Nguyễn Thị Hương và chú rể Phạm Văn Thành lớn dần theo năm tháng. Từ khi sinh ra, Hương có vóc dáng nhỏ bé do bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố. Còn Phạm Văn Thành, bị khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn. Cả hai đều kém may mắn, nhưng trong họ, ngọn lửa tình yêu luôn thắp sáng, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, vun đắp cho hạnh phúc của mình.

Tuy đã đăng ký kết hôn, có một cậu con trai vừa đón sinh nhật 2 tuổi, nhưng họ vẫn chưa có một đám cưới. Không giấu được niềm vui và giọt nước mắt hạnh phúc khi tham dự đám cưới tập thể dành cho những người cùng hoàn cảnh,

Nguyễn Thị Hương bộc bạch: "Mơ ước của em là có một đám cưới và điều đó đã trở thành hiện thực. Vợ chồng em vui lắm, mấy ngày vừa qua cả hai đều mất ngủ, hồi hộp vô cùng. Chúng em sẽ luôn trân trọng những giây phút thực sự ý nghĩa này và coi lễ cưới như một khởi đầu mới cho cuộc sống gia đình".

"Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" - muôn vàn khó khăn đến với chú rể Cao Duy Đạt, nhưng nhờ có tình yêu của Phạm Thị Vân Anh, một người lành lặn, dũng cảm vượt mọi rào cản để trở thành "đôi mắt" của người mình yêu. Khi biết họ có tình cảm với nhau, gia đình Vân Anh phản đối quyết liệt, nhưng rồi bằng tình yêu, cùng sự quyết tâm, cuối cùng họ cũng đã thuyết phục được gia đình. Hạnh phúc đong đầy hơn khi họ có thêm cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.

Chú rể Cao Duy Đạt chia sẻ: "Vì không có điều kiện nên chúng tôi mới chỉ làm mâm cơm mời người thân trong gia đình tới chúc phúc, rồi cùng nhau xây dựng mái ấm. Vợ tôi đã lặng lẽ hy sinh vì chồng con mà không một lần đòi hỏi phải được làm đám cưới. Vì vậy, đây là ngày vui nhất của gia đình chúng tôi".

Cô gái người Cao Bằng đầy nghị lực với đôi mắt sáng ngời, nhưng đôi chân không lành lặn, Hoàng Hồng Kiên đã vượt lên khó khăn, vất vả, trở thành một vận động viên điền kinh và là một diễn giả truyền nghị lực sống kiên cường cho nhiều người. Tình yêu thể thao đã đưa Hoàng Hồng Kiên đến với Phạm Hồng Thức, chàng trai quê huyện Gia Lâm, Hà Nội, không may bị tai nạn, mất đi đôi chân từ thời niên thiếu.

Họ đến với nhau dù không có đám cưới, nhưng luôn truyền hơi ấm, sức mạnh, cùng nhau làm rạng danh nền thể thao người khuyết tật nước nhà, với hàng trăm Huy chương vàng trong nước và châu lục. Ông trời không phụ lòng, họ đã có một cậu con trai khỏe mạnh, ngoan ngoãn, siêng học và là nguồn động viên của cha mẹ. Phép nhiệm màu của tình yêu đã giúp tiếng cười luôn ngập tràn trong ngôi nhà của họ.

Điểm chung của nhiều cặp đôi đến với đám cưới tập thể "Giấc mơ có thật" là dù mất đi đôi chân vững chắc hay đôi mắt sáng ngời, nhưng bằng nghị lực, họ đã vượt lên mọi thử thách để có được hạnh phúc của mình. Mong ước giản dị của họ là được sống trọn đời bên nhau, nuôi con lớn khôn...

Kết nối yêu thương, vẹn tròn hạnh phúc

Nắm tay chú rể tiến vào hội trường, xung quanh là những tiếng vỗ tay, chúc phúc của người thân và bè bạn, cô dâu Nguyễn Thị Hương vô cùng xúc động. Nhìn vợ trong bộ váy cưới thật xinh đẹp, cười tươi rạng rỡ, chú rể Phạm Văn Thành phấn khởi nói: "Với chúng tôi, giấc mơ đã trở thành hiện thực".

Không ồn ào, sôi động, không cỗ bàn linh đình như nhiều đám cưới khác, chỉ có tiệc trà, bánh kẹo, hoa quả, nhưng ai nấy đều hân hoan, phấn khởi khi tham dự đám cưới tập thể theo nếp sống mới của các cặp đôi khuyết tật.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội (Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội) Nguyễn Thị Hảo, Trưởng ban Tổ chức chương trình, xúc động chia sẻ: "Đây là đám cưới tập thể đầu tiên do trung tâm tổ chức dành cho các cặp đôi khuyết tật tại Hà Nội, với hình thức tiệc trà, theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, thể hiện sự quan tâm chăm lo đối với phụ nữ khó khăn thiệt thòi và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình. Chúng tôi mong muốn mang đến cho những người kém may mắn một đám cưới thật ý nghĩa và đáng nhớ trong cuộc đời, nhân lên thêm nhiều hạnh phúc cho gia đình họ".

Cùng góp mặt tham dự đám cưới, còn có người thân, bạn bè của các cặp đôi. Ngồi xung quanh bàn tiệc ngọt, chuyện trò vui vẻ là cả đại gia đình cô dâu Tô Thị Hồng Túy, chú rể Phí Công Tiến đến từ huyện Hoài Đức.

Bày tỏ niềm vui trong ngày trọng đại của cháu gái, ông Tô Minh Tho nói: "Tôi thấy đây là hình thức tổ chức cưới vừa văn minh, vừa giữ nét đẹp truyền thống; đồng thời tiết kiệm, chống lãng phí mà vẫn trang trọng".

Còn bà Hoàng Thị Định, mẹ cô dâu Hoàng Hồng Kiên xúc động chia sẻ: "Hoàn cảnh khó khăn, không lo cưới được cho các cháu, nay được dự đám cưới thế này, tôi mừng quá. Tiệc cưới giản dị, nhưng vui vẻ. Mà cốt lõi tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu, chứ không phải ở sự xa hoa".

Kết thúc tiệc cưới, nhận từ người chồng của mình nụ hôn ấm áp, cô dâu Hoàng Hồng Kiên mãn nguyện bày tỏ: "Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được mặc áo cô dâu. Tôi rất hạnh phúc. Tôi mong rằng có nhiều chương trình như vậy để những người kém may mắn có cơ hội đón mừng hạnh phúc của chính mình". Mong muốn của cô dâu Hoàng Hồng Kiên cũng chính là mong muốn của nhiều người được chứng kiến tiệc cưới "Giấc mơ có thật"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giấc mơ hạnh phúc có thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.