(HNMO) - Ngày đầu tiên của tháng 8 (1-8), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 - 1.100.000 đồng/lượng, lên sát mốc 68 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 11h, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng mỗi chiều so với cuối ngày 31-7. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tăng 670.000 đồng/lượng (chiều mua) và 690.000 đồng/lượng (chiều bán), để là 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,79 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, vàng miếng Vàng Rồng Thăng Long của công ty này được niêm yết là 52,59 triệu đồng/lượng (mua vào) - 53,34 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 80.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Cùng xu hướng, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji để là 67 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,8 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn cuối tuần trước 1 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 800.000 đồng/lượng (chiều bán). Đặc biệt, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 1,2 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,1 triệu đồng/lượng (chiều bán), để là 66,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giữa giá mua và bán phổ biến là 800.000 - 1.000.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng dù cho giá kim loại quý thế giới giảm hơn 5 USD/ounce, giao dịch tại mức 1.760,9 USD/ounce, quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Trong cuộc họp về công tác quản lý thị trường vàng diễn ra cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC. Vấn đề này, cơ quan quản lý đã thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đem lại sự ổn định cho thị trường vàng, góp phần hỗ trợ ổn định thị trường ngoại hối hơn 10 năm qua. Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cần đánh giá, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.