(HNMO) - Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một năm không có nhiều biến động. Vậy sang năm 2019, giá kim loại quý này sẽ diễn biến ra sao?
Nhìn lại thị trường vàng miếng trong nước năm 2018, giá có xu hướng đi lên trong nửa đầu năm và giảm vào nửa cuối năm, bắt nguồn từ sự đi xuống của giá kim loại quý thế giới.
Sự biến động giá được ghi nhận ở 3 mốc chính. Đầu tiên là vào thời điểm 25-2, giá chạm mức đỉnh 1 năm khi tăng gần 300.000 đồng/lượng, đạt 36,80 triệu đồng/lượng-37,63 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sức cầu trong nước gia tăng bởi vào dịp ngày vía Thần Tài, nhiều người dân đi mua vàng nhằm mang lại may mắn cho cả năm.
Giá vàng được dự báo sẽ tăng trong năm nay (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Tiếp đến, vào giữa quý II, thị trường ghi nhận mức giá tăng mạnh nhất của năm, từ mức 36,63 triệu đồng/lượng-36,72 triệu đồng/lượng, giá vàng lên 36,96 triệu đồng/lượng-37,15 triệu đồng/lượng. Khác với lần trước, lần này, giá vàng trong nước tăng bởi giá thế giới lên mức cao 1.345 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản an toàn.
Sau đợt tăng trên, giá vàng dần hạ nhiệt ở giai đoạn nửa cuối năm và cho đến hết năm không thể trở lại ngưỡng 37 triệu đồng/lượng thêm lần nào. Trong thời điểm cuối năm, giá dao động quanh ngưỡng thấp 36,29 triệu đồng/lượng-36,39 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với ngưỡng giá cao nhất trong năm khoảng 3%. Tính chung, trong năm 2018, giá vàng trong nước hạ nhẹ, trong khi giá thế giới trượt khoảng 2%.
Điểm đáng chú ý là trong nhiều phiên, sự biến động giá giữa hai thị trường không tương xứng khiến chênh lệch giá nới rộng hoặc thu hẹp. Chẳng hạn, phiên ngày 21-12-2018, giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong bối cảnh đồng USD yếu đi và các thị trường chứng khoán giảm điểm thúc đẩy nhiều người hướng tới các tài sản được coi là kênh đầu tư an toàn, nhưng giá kim loại quý trong nước chỉ nhích nhẹ. Vì vậy, chênh lệch giá giữa hai thị trường giảm từ mức hơn 1 triệu đồng xuống 670.000 đồng/lượng.
Ở phần lớn các phiên, giao dịch không sôi động. Với chủ trương chống vàng hóa, thị trường vàng ổn định, giá không còn biến động thất thường, nhà đầu tư không còn cơ hội “lướt sóng”. Vì thế, vàng miếng bớt hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Trong tháng đầu tiên của năm 2019, giá vàng trong nước diễn biến tích cực với mức tăng 500.000 đồng/lượng, giao dịch trên mốc 37 triệu đồng/lượng nhờ sự hỗ trợ từ thị trường quốc tế. |
Dù giảm trong năm 2018 nhưng theo nhận định, về lâu dài, giá vàng sẽ tăng giá bởi trên thế giới, người dân vẫn đầu tư vào vàng. Ngay cả các Ngân hàng trung ương vẫn giữ tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia vì vàng có giá trị bền vững, lâu dài.
Nhận định về giá vàng trong năm 2019, chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng tăng hay giảm thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe của nền kinh tế, diễn biến đồng USD, tình hình địa chính trị trên thế giới... Theo chuyên gia này, năm nay, nhiều khả năng giá kim loại quý sẽ đi lên. Mức giá cao nhất có thể ghi nhận được là 1.350 USD/ounce, thấp nhất là 1.300 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo.
Sở dĩ chuyên gia này dự báo như vậy bởi, theo ông, chưa biết sắp tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận thương mại hay không. Hơn nữa, nếu nền kinh tế Mỹ trì trệ và lạm phát ở mức hợp lý, khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất hoặc có tăng thì tần suất tăng sẽ ít hơn so với năm 2018. Thông thường, Fed tăng lãi suất sẽ giúp tăng giá trị của đồng USD, khi đó, giá vàng sẽ bị đẩy xuống.
Cùng quan điểm trên, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji dự báo, năm 2019, giá kim loại quý sẽ khởi sắc hơn. Nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đầu tư vào vàng với lượng đầu tư phù hợp chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, với nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư “lướt sóng”, lời khuyên được đưa ra là cần thận trọng vì giá có thể tăng nhanh nhưng giảm cũng rất nhanh. Nhà đầu tư nên bám sát thị trường và lựa chọn thời điểm thích hợp để tối ưu hóa lợi nhuận từ việc đưa ra quyết định chính xác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.