Thị trường

Giá vàng miếng SJC xuống mốc 81 triệu đồng

Thanh Hương 21/03/2024 - 13:34

Sau khi tăng khá mạnh vào sáng 21-3, giá vàng miếng SJC nhanh chóng đảo chiều, giảm mạnh, có nơi đưa giá về mốc 81 triệu đồng/lượng.

gv-6-2.jpg
Giá vàng miếng giảm 200.000-350.000 đồng/lượng so với hôm qua dù giá kim loại quý thế giới tăng mạnh.

Lúc gần trưa nay, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết với giá vàng miếng SJC ở mức 79 triệu đồng/lượng (mua vào) - 81 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 650.000 đồng/lượng (chiều mua) và 900.000 đồng/lượng (chiều bán) so với sáng cùng ngày.

Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 81,2 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn buổi sáng 600.000 đồng/lượng mỗi chiều.

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giảm 700.000 đồng/lượng (chiều mua) và 750.000 đồng/lượng (chiều bán) so với buổi sáng, để là 79,2 triệu đồng/ượng (mua vào) - 81,15 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng giảm mạnh giá vàng miếng cùng thương hiệu xuống mức 79,1 triệu đồng/lượng (mua vào) - 81,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Như vậy, so với cuối ngày hôm trước, giá vàng miếng SJC có nơi giữ nguyên, nơi giảm 200-300.000 đồng/lượng chiều mua; chiều bán giảm 200.000-350.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn giữ nguyên mức tăng như sáng cùng ngày là 1,05-1,46 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,1-2,56 triệu đồng/lượng (chiều bán), để là 68,6-69,43 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,8-70,73 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng nhẫn tăng mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới tăng tới hơn 40 USD/ounce vào sáng sớm nay sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và cho biết sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay.

Thời gian qua, giá vàng miếng SJC do nguồn cung hạn chế nên thường cao hơn giá thế giới 16-17 triệu đồng/lượng, có thời điểm cao hơn tới 20 triệu đồng/lượng và cao hơn nhiều so với giá vàng miếng của thương hiệu khác cũng như vàng nhẫn.

Giá vàng miếng giảm dù giá thế giới tăng mạnh sau khi ngày 20-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với các bộ, ngành, bàn giải pháp quản lý thị trường kim loại quý này.

Đáng chú ý, tại buổi họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, mặc dù giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Do vậy, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng miếng SJC xuống mốc 81 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.