Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá vàng cao nhất kể từ tháng 9-2011: Giá trị trú ẩn an toàn của tài sản

Thùy Dương| 26/07/2020 06:41

(HNM) - Giá vàng thế giới đang leo thang từng giờ, và vừa vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce. Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng sự suy giảm của kinh tế toàn cầu hay căng thẳng Mỹ - Trung Quốc... là những yếu tố khiến giá của kim loại quý này "xô đổ" mốc lịch sử để thiết lập đỉnh mới cao nhất trong vòng 9 năm qua.

Giá vàng liên tục tăng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 20%, bằng mức tăng của cả năm 2019. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, giá vàng tăng đến 30% và có xu hướng ngày càng đi lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng tăng cao là do tác động của dịch Covid-19 lan rộng khiến kinh tế toàn cầu suy giảm. Dịch Covid-19 khiến chính phủ nhiều nước phải tung ra các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ lịch sử trị giá 750 tỷ euro, sau 4 ngày đàm phán. Trước đó, các thành viên EU cũng đã áp dụng gói kích thích riêng trị giá hàng trăm tỷ euro cho nước mình, đồng thời hạ lãi suất để cứu nền kinh tế.

Đáng chú ý, giá của kim loại quý này trụ vững ở đỉnh cao do đồng USD tiếp tục suy yếu và trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tại Mỹ. Hiện tại, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã hơn 4,2 triệu người và có 147 nghìn ca tử vong buộc nhiều bang của xứ Cờ hoa phải làm chậm hoặc đảo ngược quá trình mở cửa nền kinh tế. Khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, các nghị sĩ nước này phải phác thảo một gói kích thích mới trong chưa đầy hai tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người dân Mỹ hết hạn vào ngày 31-7 tới. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng nghìn tỷ USD và nhiều lần hạ lãi suất khẩn cấp. Đây là những yếu tố duy trì xu hướng đi lên của giá vàng trong tương lai.

Trưởng nhóm chiến lược thị trường toàn cầu Stephen Innes của Hãng dịch vụ tài chính AxiCorp có trụ sở tại Sydney (Australia) nhận định: “Dịch Covid-19 vẫn chưa đi xa và trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới chịu nhiều tổn thương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chưa thể thay đổi chính sách lãi suất hiện tại. Các yếu tố này khiến giá vàng liên tục tăng”. Khi lãi suất ở mức thấp, giá vàng có triển vọng tăng trưởng tốt. Hiện tại, môi trường lãi suất tại Mỹ thậm chí có thể xuống mức âm và chính điều này càng khiến cho giá vàng trong ngắn và trung hạn liên tục tăng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tiếp tục leo cao một phần còn do căng thẳng quan hệ giữa Mỹ - Trung bị đẩy lên một nấc thang mới. Sau khi Washington bất ngờ yêu cầu Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston phải đóng cửa thì Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô. Ngoài ra, theo phân tích của tờ Economic Times, nhu cầu mua vàng đang tăng mạnh, đặc biệt là từ thị trường Ấn Độ - nơi có lượng tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới vì đang vào mùa mua sắm kim loại quý.

Giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.900 USD/ounce (cao nhất kể từ tháng 9-2011), nhưng dịch Covid-19 chưa giảm thì giá vàng chưa hết “sóng” trong thời gian tới. Mặt hàng quý hiếm này được dự báo sẽ tăng lên mức 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9 năm nay khi vàng phát huy thế mạnh là tài sản trú ẩn an toàn trong môi trường lãi suất thấp.

Thực tế cho thấy, giá vàng thường đi ngược với diễn biến của kinh tế. Kinh tế càng khủng hoảng, giá vàng càng lên cao. Nhà đầu tư tìm đến với vàng để phòng trừ rủi ro bởi họ quan niệm vàng là công cụ lưu trữ giá trị quan trọng nhất trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Do đó, các nhà phân tích cho rằng khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức suốt hơn nửa năm qua, việc giá vàng liên tục phá kỷ lục không phải điều ngạc nhiên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng cao nhất kể từ tháng 9-2011: Giá trị trú ẩn an toàn của tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.