Những ngày qua, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục mới. Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh là do sức cầu tăng nhưng nguồn cung hạn chế. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng bởi mua bán vàng khi giá biến động mạnh rất dễ gặp rủi ro.
Liên tục lập kỷ lục mới
Ngày 29-11, giá vàng miếng SJC tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng, lên mức 74,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong lúc đó, giá vàng thế giới tăng 30 USD/ounce, lên mức 2.040 USD/ ounce, bởi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc việc tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm lãi suất trong năm 2024. Ngay sau khi đạt mức đỉnh trên, giá vàng đảo chiều giảm gần 1 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng chỉ sau vài giờ đồng hồ đã lỗ hàng triệu đồng/lượng.
Sang tháng 12-2023, giá kim loại quý liên tục tăng mạnh. Riêng ngày 22-12, giá vàng lần lượt vượt mốc 76 triệu đồng/lượng, rồi 77 triệu đồng/lượng, thiết lập mức kỷ lục mới là 77,4 triệu đồng/lượng. Đáng nói, mức tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn mức tăng của giá vàng thế giới rất nhiều. Sau khi đạt mức đỉnh, đến cuối ngày, giá vàng giảm còn 76,8 triệu đồng/lượng. Đến ngày 25-12, mặc dù thị trường vàng thế giới nghỉ Lễ Giáng sinh, giá vàng miếng SJC tăng tới 1,6 triệu đồng/lượng, thiết lập mức kỷ lục mới 78,4 triệu đồng/lượng.
Sáng qua (26-12), giá kim loại quý tiếp tục tăng phi mã, lần đầu vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 80,3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,3 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1,6 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1,9 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày 25-12. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu tăng giá vàng miếng cùng thương hiệu 1,7 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,8 triệu đồng/lượng chiều bán, niêm yết với giá 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80,3 triệu đồng/lượng chiều bán. Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng 1,1 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,6 triệu đồng/lượng chiều bán, để là 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 80 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá niêm yết của các doanh nghiệp có sự chênh lệch đáng kể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nới biên độ giá mua - bán lên mức 1,1-1,5 triệu đồng/lượng nhằm tránh rủi ro. Sau khi tăng mạnh, chiều cùng ngày, giá kim loại quý này đảo chiều, có nơi để giá bán ra giảm xuống mức dưới 79 triệu đồng/lượng.
Như vậy, với sự biến động bất ngờ của giá vàng, những ai mua vào từ đầu năm với giá thấp, chỉ ở mức 66 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67 triệu đồng/lượng (bán ra) thì nay đã lãi đậm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng dự báo và biết được xu hướng của giá vàng diễn biến như vậy. Không ít người “gánh” thêm nợ vì vàng khi vay vàng mua nhà lúc giá thấp và đến nay giá lên mức đỉnh, cũng đến thời hạn phải trả.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho rằng, giá vàng trong nước tăng mạnh trong vài ngày gần đây bởi sức cầu tăng nhưng nguồn cung vàng SJC hạn chế. Thời gian qua, vàng miếng SJC không có nguồn cung. Nếu người dân bán ra không nhiều, nguồn cung hạn chế, chỉ cần sức cầu tăng nhẹ thì giá cũng sẽ bị đẩy lên cao. Giải pháp là Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu nhất định để tăng nguồn cung và ổn định giá cho thị trường.
Trước diễn biến của thị trường, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, cơ quan quản lý đang tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình để có giải pháp phù hợp.
Cần cân nhắc kỹ
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, so với những đợt giá vàng biến động mạnh trước đây, sức cầu tăng nhưng không mạnh, giá liên tiếp lập mức đỉnh do thiếu nguồn cung.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, sức cầu vàng trong nước tăng bởi lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức đáy, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều bất ổn, thị trường bất động sản trầm lắng nên kênh đầu tư vàng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư và người dân. Vị chuyên gia này nhìn nhận, do vàng không là phương tiện thanh toán và không nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng nên giá vàng biến động tăng hay giảm hầu như không ảnh hưởng đến lạm phát, kinh tế vĩ mô.
Các chuyên gia dự báo, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng bởi những yếu tố như Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất trong năm 2024; căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn; nhu cầu về vàng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 tăng cao do là mùa cưới, lễ hội tại một số nước; một số ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng... Theo đó, giá vàng có thể còn tiếp tục đi lên nhưng sau đó sẽ giảm khi tình hình sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu khởi sắc.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh và lên mức đỉnh như hiện nay, nhà đầu tư và người dân cần thận trọng, cân nhắc kỹ, không nên mua vào vì sẽ rất rủi ro. Giá vàng tăng nhanh nhưng cũng có thể giảm rất nhanh. Hơn nữa, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều, tới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.