(HNM) - Hôm qua (5-6), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức hội thảo
Thủ tục "hành là chính"
Theo Bộ Tài chính, đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho phát triển hoạt động KHCN thời gian qua đã bảo đảm được mục tiêu đặt ra theo Luật KHCN là đạt 2% tổng chi NSNN (tương đương 0,5-0,6% GDP) và đạt tốc độ tăng chi bình quân là 19% trong giai đoạn 2007-2011. Từ năm 2006-2012, NSNN đã chi 73.000 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 16.000 tỷ đồng; NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65-70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KHCN.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho rằng, mức đầu tư tính theo GDP là không thấp, tương đương các nước khác, nhưng tính theo giá trị tuyệt đối thì rất hạn chế. Tính bình quân đầu người thì mức đầu tư chưa đạt 10 USD người/năm, thuộc diện thấp nhất khu vực và thế giới trong khi chưa thu hút được nguồn đầu tư ngoài ngân sách. Thêm nữa, như Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: "Phần đông giới khoa học đều cho rằng, cơ chế thanh quyết toán tài chính hiện rất bất cập. Nội dung chi, định mức chi, thủ tục... mất nhiều thời gian. Rất nhiều khoản chi trong nghiên cứu khoa học như thuê chuyên gia, đăng ký công bố quốc tế, kinh phí tuyên truyền... không quyết toán được, đặc biệt là lạm phát cao nhưng không có chính sách hỗ trợ. Thậm chí có người nói, thời gian dành cho thủ tục thanh quyết toán còn nhiều hơn nghiên cứu. Lương cho nhà khoa học vẫn theo thang bảng lương chung mà không có sự đãi ngộ xứng đáng".
Sau nhiều năm, việc phân bổ dự toán kinh phí cho các đề tài, dự án KHCN vẫn căn cứ vào Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN, tức là vẫn căn cứ vào số lượng các chuyên đề để xác định nhu cầu kinh phí, dẫn đến việc muốn được tăng kinh phí thì phải tăng số lượng chuyên đề. Bộ KHCN vẫn chưa xây dựng được hệ thống khung định mức kinh tế kỹ thuật, định mức nhân công, vật tư, thiết bị áp dụng cho đề tài, đề án để trên cơ sở đó Bộ Tài chính có căn cứ ban hành các định mức tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho rằng, cơ chế tài chính cho KHCN không phải do đơn vị này ban hành và ngành này chỉ là khâu cuối trong một quy trình khép kín. Ngành tài chính phải dựa vào những quy định hiện hành chứ không thể làm trái. "Bộ Tài chính không muốn làm khó các nhà khoa học nhưng để thay đổi thì chính giới khoa học phải đề xuất để ban hành các thủ tục thanh quyết toán sao cho thông thoáng hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh đề xuất.
"Gỡ rối" cách nào?
Theo ông Tạ Đức Thịnh (Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường - Bộ GD-ĐT), đã đến lúc phải thay đổi toàn diện cơ chế quản lý hoạt động KHCN nói chung và cơ chế tài chính nói riêng. Để giải được bài toán về tài chính, rất cần có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN của từng cơ quan nghiên cứu sau đó xác định mức đầu tư cho từng đơn vị. Cụ thể là dựa vào số lượng nhà khoa học, học hàm, học vị; kết quả nghiên cứu; công bố quốc tế, trong nước; số bằng sáng chế được cấp; kết quả ứng dụng vào thực tế... mà xác định mức đầu tư. Thanh quyết toán tài chính nên căn cứ vào sản phẩm "đầu ra" chứ không nên dựa theo số chuyên đề như hiện nay. Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, hoạt động của hội đồng nghiệm thu cũng phải được đổi mới, phải gắn trách nhiệm của bộ phận này đến khi kết quả nghiên cứu đi vào đời sống.
PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, ngành tài chính nên có định mức chi phù hợp, không cứng nhắc như hiện nay. Ví dụ, tiền chi cho hội thảo không thể đánh đồng 70.000 đồng/người/ngày mà cần giao quyền chủ động hơn cho các chủ nhiệm đề tài. Tiền lương của nhà khoa học phải gắn với sản phẩm chứ không nên "cào bằng". Ngoài ra, dành 10-20% kinh phí nghiên cứu cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và chỉ giải ngân khi chứng minh có hiệu quả. "Các hội đồng nghiệm thu đề tài, dự án KHCN hiện nay làm xong nhiệm vụ là giải tán nên tình trạng "đắp chiếu" sau khi nghiệm thu xong là có thật. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu cần được công khai trên internet để tránh sự trùng lắp, đạo văn" - ông Lý đề xuất thêm.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, trong đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN trình Chính phủ, Bộ có đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, kiến nghị việc cấp kinh phí cho nghiên cứu chuyển dần sang cơ chế quỹ để hạn chế sự cản trở của tư duy xây dựng kế hoạch và làm dự toán kinh phí trước 1,5 năm như hiện nay, đáp ứng nhu cầu tức thời khi các nhà khoa học được đặt hàng hoặc đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu. Hiện đã có quỹ phát triển KHCN quốc gia và sắp tới sẽ đưa vào hoạt động quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Thứ hai, quỹ không bắt buộc quyết toán theo năm tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học chỉ quyết toán một lần khi kết thúc dự án...
Rõ ràng, để các cơ quan khoa học hằng năm không phải "nhảy múa với các con số" đòi hỏi không chỉ nỗ lực của các tổ chức KHCN mà còn từ phía cơ quan quản lý. Giã từ cuộc chơi hiện nay, tìm một cách làm phù hợp là điều phải làm, nếu không muốn hoạt động KHCN luôn đi sau nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.