Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị phổ quát toàn nhân loại

PGS.TS Bùi Đình Phong| 07/11/2021 07:32

(HNM) - 1. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, thế giới ngự trị một thứ trật tự mà theo đó, chỉ những kẻ giàu mới có quyền thống trị thế giới. Cứ thế cho đến ngày nay, theo tư duy logic của những kẻ mang dòng máu bành trướng, họ hành động chạy theo lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên nhân phẩm con người; làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của các phe nhóm và một số ít cá nhân. Bản đồ thế giới vẫn còn những gam “màu đỏ” phản ánh quyền lực nằm trong tay một thiểu số giàu có.

Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ từ sự chín muồi của mâu thuẫn nội bộ nước Nga giữa những kẻ áp bức và những người bị áp bức. Quần chúng bị đè nén ở Nga đã vùng lên. Sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân lao động Nga là tất yếu. Bởi nước Nga chuyên chế phải được thay bằng một nước Nga dân chủ; thay vì sự áp đặt của kẻ giàu phải là quyền tự quyết của các dân tộc. Công nhân và nông dân phải có nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất, được quyền làm chủ vận mệnh bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ đất nước… Thay vì giai cấp bóc lột làm mưa làm gió, một hệ thống chính trị mới ra đời mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó là những giá trị nhân bản, nhân quyền đích thực mà thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại.

Điều thú vị là những thành quả Cách mạng Tháng Mười có giá trị phổ quát toàn nhân loại. Bởi vì tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Những quyền đó không chỉ là câu chuyện ở nước Nga 104 năm trước mà ngày nay nhân loại vẫn trân trọng, nâng niu và cần tới như cần không khí để thở.

Điều đặc biệt là những đứa con Tháng Mười được giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quốc tế, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh vì đại nghĩa, tôi luyện và vun bồi những giá trị nhân văn, trở thành rường cột trong cuộc chiến đấu chống lại con quái vật chủ nghĩa phát xít. Giúp loài người thoát khỏi thảm họa diệt chủng, nước Nga đã mở đường đưa lịch sử đi theo chiều hướng mới, chứa đựng sinh lực mới cho sự phát triển.

Sau 21 năm sống ở thế kỷ XXI, nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý và nhân đạo trên toàn thế giới vẫn coi Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, tạo ra bước ngoặt vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với vận mệnh loài người, thúc đẩy lịch sử thế giới tiến lên phía trước với một chất lượng, trình độ mới, nhân đạo và nhân văn cao cả. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người Nga vẫn đánh giá tích cực thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười. Họ vẫn lưu giữ trong ký ức những gì tươi sáng, tiến bộ, thuận lòng dân mà chính quyền Xô viết đã đem lại.

2. 70 năm sau Cách mạng Tháng Mười, năm 1987, Ủy ban Thế giới về môi trường và phát triển đưa ra khái niệm “Phát triển bền vững”. Năm 2015, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững được thông qua với mục tiêu tổng quát là xóa đói, giảm nghèo mọi nơi, mọi hình thức; thế giới hòa bình, hòa nhập, thịnh vượng; bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, công bằng và học tập suốt đời; bình đẳng giới và trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em; phá bỏ các rào cản chính sách, phát huy quyền con người, không để ai lại phía sau; bảo vệ hành tinh xanh... Đó là những giá trị phổ quát bắt đầu từ thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga mà hiện nay nhân loại tiến bộ đang hướng tới.

Sự gặp gỡ, trùng hợp tự nhiên giữa mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với mục tiêu và hiện thực cách mạng Nga đã đem lại từ 104 năm trước chứng tỏ chủ nghĩa xã hội đã mở đường cho nhân loại hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Những giá trị nhân loại tiến bộ đang theo đuổi hướng tới cái đích về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm lợi ích cho nhân dân, hòa hợp, thịnh vượng, hòa bình và phát triển khẳng định sức sống trường tồn của chủ nghĩa xã hội bởi những giá trị vĩnh cửu của một chủ nghĩa nhân văn đích thực.

Cách đây hơn 91 năm, ngay khi ra đời, trong Cương lĩnh chính trị của mình, những người cộng sản Việt Nam đã ghi trên lá cờ của Đảng mục tiêu cuối cùng là đi tới xã hội cộng sản. Từ đó đến nay, ngay cả trong lúc chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Đảng ta vẫn khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Chúng ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng chứa đựng hệ mục tiêu với nhiều điểm nhấn mang tính phổ quát toàn nhân loại như nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, phát triển văn hóa và con người, quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta cần một xã hội phát triển thực sự vì con người; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; một sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành; một xã hội mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân… Đó là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá trị phổ quát toàn nhân loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.